Cụ thể, chiều ngày 21/6, Điện lực Vân Đồn nhận được kiến nghị của bà Đào Thị Gái, mã khách hàng: PA03VDVD04924 (Địa chỉ: thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) về sản lượng điện tiêu thụ tháng 6/2020 tăng cao đột biến với số tiền lên tới 89.350.496 đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Điện lực Vân Đồn đã cử đoàn công tác đến phối hợp với gia đình bà Đào Thị Gái để tiến hành kiểm tra đồng hồ đo đếm điện năng bằng bằng checkmetter, kết quả công tơ hoạt động bình thường.
Tại thời điểm kiểm tra, chỉ số trên mặt công tơ là 1.893 kWh. Chỉ số cuối kỳ tháng 5/2020 là 1.649 kWh. Sản lượng thực tế tính đến ngày 22/6/2020 là 244 kWh (sản lượng của 38 ngày).
Kỳ hóa đơn tháng 6/2020 từ ngày 15/5/2020 đến 15/6/2020 là 31 ngày, tính theo phương pháp nội suy thì sản lượng thực tế sử dụng của gia đình bà Đào Thị Gái trong tháng 6/2020 là 200 kWh.
Qua kiểm tra, rà soát, Công ty Điện lực Quảng Ninh khẳng định đây là sai sót của Điện lực Vân Đồn trong quá trình kinh doanh, ra hóa đơn việc chốt chỉ số công tơ điện tử bằng thiết bị cầm tay HHU.
Cụ thể, công tơ đo đếm điện năng của gia đình bà Gái là công tơ điện tử đo xa, chốt chỉ số bằng thiết bị cầm tay HHU. Do thời tiết ngày 15/6/2020 có mưa giông, tín hiệu không đảm bảo, khiến cho việc cập nhật chỉ số và sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng không chính xác.
Ngay sau khi xác định nguyên nhân sai sót, lãnh đạo Điện lực Vân Đồn và gia đình bà Đào Thị Gái đã thống nhất sản lượng điện năng tiêu thụ tháng 6/2020 là 200kWh, với số tiền điện là 368.335 đồng.
Điện lực Vân Đồn đã thực hiện hủy hóa đơn cũ và lập hóa đơn mới để khách hàng thanh toán tiền điện đúng với sản lượng điện năng đã sử dụng trong tháng 6/2020.
Trước sự việc này, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chỉ đạo Điện lực Vân Đồn kiểm điểm nghiêm khắc tập thể và các cá nhân có liên quan. Trước mắt, yêu cầu tạm thời đình chỉ Trưởng phòng kinh doanh Điện lực Vân Đồn và yêu cầu các Điện lực địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát lại công tác ghi chỉ số công tơ để phát hiện kịp thời những công tơ có sản lượng điện tăng bất thường, tránh không để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.
Trước đó, như báo Hải quan đã đưa tin, thời điểm nắng nóng gần đây, tiền điện sinh hoạt của nhiều hộ dân ghi nhận tăng gấp đôi, thậm chí cá biệt có trường hợp tăng gấp 4-5 lần so với thông thường.
Điển hình như trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (xã Đông La, Hoài Đức, Hà Nội) mỗi tháng trung bình dùng hết 400.000 đồng tiền điện. Thậm chí, trong kỳ hóa đơn tiền điện tháng 4 và tháng 5, mỗi tháng gia đình anh chỉ hết khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên, trong kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6, con số này nhảy vọt lên tới hơn 800.000 đồng, gấp 4 lần 2 tháng trước đó và gấp đôi so với mức trung bình thông thường.
Khá bức xúc trước việc tiền điện vọt tăng, anh Phúc cho hay, nhu cầu sử dụng điện những tháng gần đây của gia đình không có thay đổi lớn mà tiền điện lại có sự nhảy vọt bất thường. Nhiều hộ gia đình khác cũng tương tự gia đình anh Phúc cảm thấy khá khó lý giải và nghi ngờ độ chính xác của công tơ điện, tính minh bạch trong quá trình ghi số điện.
Đề cập tới vấn đề tiền điện tăng cao, chỉ vài ngày trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát đi thông tin lý giải, khi vào mùa khô ở miền Nam, mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là điều hòa) là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng.
Về độ chính xác của điện kế (công tơ) và cách ghi chỉ số điện, EVN nêu rõ: Các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN ngày 26/7/2019. Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.
Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.
Hiện tại, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.
Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ.
Nhiều hộ gia đình nghi ngờ tính minh bạch, chính xác của công tơ điện. Ảnh: Internet
Theo Hải quan Online