Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm
Tại Công văn số 6512/VPCP-VI, ngày 12/11/2007 về việc đồng ý chọn ngày 29/11 hằng năm là ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái, Chính phủ giao Hiệp hội VATAP chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan có chương trình hành động cụ thể, thiết thực đối với hoạt động này.
Đây là hoạt động thường niên, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và đưa ra các chương trình hành động cụ thể trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả, góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Ngày 16/11/2011, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 278/TB-VPCP, trong đó, có nội dung yêu cầu:
“Hiệp hội VATAP chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, có biện pháp thiết thực, phù hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu.
Hiệp hội có trách nhiệm khuyến khích, vận động các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng xác định hàng thật, hàng giả; cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các mặt hàng phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm”.
Nhận thức rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, Hiệp hội VATAP đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, tích cực tham gia, triển khai thực hiện nhiều hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu, GLTM và hàng giả; xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hội viên.
Hiệp hội chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như BCĐ389/QG, Tổng cục QLTT, các cục QLTT, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), các doanh nghiệp…, nhằm nắm bắt thông tin về các thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái, vận chuyển, phân phối, đặc điểm nhận biết về hàng giả, để lực lượng chức năng có thêm cơ sở truy quét, kiểm tra, xử lý vi phạm, đạt nhiều kết quả khả quan.
Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh cho biết:
“Từ khi thành lập (năm 2004) đến nay, Hiệp hội VATAP luôn xác định: Chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.
Theo đó, Hiệp hội đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bám sát từng ngành hàng, nhóm hàng, những hoạt động phù hợp với yêu cầu của từng hội viên, đồng thời, thực hiện nhiệm vụ nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác này.
Hiệp hội luôn bám sát những nội dung chỉ đạo của Chính phủ, để định hướng trong công tác hoạt động của mình.
Đến nay, Hiệp hội VATAP đã chuyển hàng trăm hồ sơ về hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp hội viên, tới các cơ quan thực thi để can thiệp, xử lý những vi phạm.
Hiệp hội thực hiện những chương trình phối hợp cụ thể, thiết thực với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hội viên trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, GLTM và hàng giả.
Hiệp hội tích cực kêu gọi các hội viên hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - theo nội dung Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hiệp hội VATAP chủ động góp ý – tham mưu lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền:
Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp, kiến nghị liên quan đến công tác giám định hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ;
Kiến nghị những giải pháp về kinh phí phục vụ công tác chống hàng giả, kinh phí tiêu hủy hàng giả, tem chống hàng giả, làm giả mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp”...
Lãnh đạo Hiệp hội VATAP tại Lễ vinh danh các doanh nghiệp đạt thương hiệu Vàng - logo, slogan ấn tượngChủ động trong công việc
Hằng năm, theo định kỳ, Hiệp hội VATAP thường xuyên tổ chức: Lễ Kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11); trao tặng danh hiệu “Thương hiệu Vàng - logo, slogan ấn tượng”; Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4)… Những hoạt động ý nghĩa này - được cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp tích cực hưởng ứng và đánh giá cao.
Hiệp hội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tham gia các buổi tọa đàm, hội thảo “Chống buôn lậu, GLTM và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng”; “Hàng giả, hàng nhái - thực trạng và giải pháp”; “Nâng cao quản lý thương mại điện tử”… thể hiện vai trò trách nhiệm cao trong công tác hoạt động của Hiệp hội.
Đồng thời, Hiệp hội tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, thường xuyên tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa sản xuất, buôn bán hàng giả, GLTM, chú trọng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhằm tạo bước chuyển biến và hiệu ứng tích cực trên thị trường.
Công tác phát phát triển hội viên cũng được Hiệp hội chú trọng. Đến nay, Hiệp hội VATAP đã kết nạp hàng trăm hội viên là các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau, tham gia và hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặt khác, Hiệp hội thường xuyên tuyên truyền cho hội viên thực hiện đầy đủ việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ; nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình, bảo đảm chất lượng đối với công bố, chịu trách nhiệm trước pháp luật, sản phẩm, hàng hóa, do doanh nghiệp mình sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh kêu gọi các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hội viên:
Tích cực thực hiện tốt các quy định của pháp luật, không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
Các doanh nghiệp hội viên cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi của khách hàng; tích cực phối hợp với cơ quan thực thi, nhất là trong công tác giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối;
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu.
Các doanh nghiệp và doanh nhân, chủ động xây dựng, giữ gìn và phát triển thương hiệu, đề cao lương tâm và trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia - nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Nguyễn Kiên