Tòa soạn Thương hiệu và Công luận nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc bày bán nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hoá nghi giả nhãn hiệu tại cửa hàng Thanh Trà có địa chỉ tại số 176 phố 3/2, thị trấn Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng.
Theo phản ánh của người tiêu dùng tới Thương hiệu và Công luận về việc bày bán nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng có dấu hiệu làm giả nhãn hiệu tại cửa hàng thời trang Thanh Trà có địa chỉ số 176 phố 3/2 thị trấn Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng, phóng viên (PV) chúng tôi đã liên lạc và có buổi làm việc, xác minh thông tin tại cửa hàng.
Hàng hoá nghi ngờ giả nhãn hiệu tại cửa hàng Thanh Trà (Ảnh: Lương Huệ)Nằm trên đường 3/2 thị trấn Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng, nơi có mật độ dân cư đông đúc, văn minh, cửa hàng Thanh Trà bán đa dạng các mặt hàng thời trang từ quần áo, giầy dép, túi xách, kính, mũ, các loại phụ kiện của nữ. Theo ghi nhận thực tế của PV, các sản phẩm quần, áo, giầy, dép, mũ, ví, túi xách... tại đây có rất nhiều sản phẩm nhãn gốc 100% chữ nước ngoài, hiếm tìm thấy sản phẩm nào có nhãn phụ chữ Tiếng Việt gắn kèm, một số sản phẩm còn “trắng thông tin”. Ngoài những sản phẩm 100% nhãn gốc chữ nước ngoài (chữ Hàn Quốc, Trung Quốc, Tiếng Anh) thì tại đây xuất hiện khá nhiều mặt hàng mang các nhãn hiệu như: Christian Dior, Gucci; Chanel; Louis Vuitton; YSL; Adidas; Nike; Prada; Fendi; Hermés... có giá bán chỉ từ vài chục nghìn cho đến dưới một triệu đồng cho một sản phẩm.
Phía trong cửa hàng Thanh Trà. (Ảnh: Lương Huệ)Trao đổi với PV, nhân viên bán hàng Đ.T. T. Tr xác nhận những hàng hóa bày bán tại cửa hàng là hàng nhập từ chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), có cả hàng nước ngoài và hàng xưởng của Việt Nam. Khi được PV hỏi về những sản phẩm mang nhãn hiệu như Adidas, Nike, Dior, Gucci, Prada... có là sản phẩm chĩnh hãng thì chủ cửa hàng cho biết: “toàn hàng xưởng Việt Nam; làm sao mà có hàng thật được, bọn em mà có tiền buôn hàng thật thì nói làm gì”. Tìm hiểu về việc kiểm tra, quản lý của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đối với việc bán hàng hóa như hiện tại, chủ cơ sở chia sẻ “một năm là hai lần lực lượng QLTT có đến kiểm tra, có nhắc nhở về quy định hàng hóa; khi QLTT đến thì hàng hóa của cửa hàng cũng tương tự hiện trạng nói trên có hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả nhãn hiệu như thời điểm PV đang xác minh”.
Chị Tr chia sẻ: do cửa hàng chỉ bán lẻ, không phải là kho hàng lớn, hàng hóa trên thị trường đều có tình trạng như cơ sở Thanh Trà đang kinh doanh nên “QLTT chỉ nhắc nhở; chưa có việc lực lượng QLTT lập biên bản xử lý vi phạm” mặc dù “một năm 2 lần QLTT đến kiểm tra”. Ước tính của PV số lượng hàng hóa đang bày bán tại shop Thanh Trà, số 176 phố 3/2 thị trấn Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng có giá trị hàng trăm triệu đồng.
Khi được PV Thương hiệu và Công luận trao đổi về một số quy định và chế tài xử phạt đối với việc bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả nhãn hiệu là vi phạm pháp luật thì chị Tr. tỏ ra không quan tâm và nói “cái đó anh chị nên làm việc trực tiếp với QLTT, nếu phạt thì QLTT sẽ phạt”.
Cách ứng xử tự tin của chị Tr. tại cửa hàng Thanh Trà đã cho thấy sự coi thường pháp luật của cơ sơ này. Tại thời điểm ghi nhận thực tế giữa PV và chị Tr. tại cửa hàng Thanh Trà, chị Tr. cho biết đứng tên chủ hộ kinh doanh là chồng chị. Tuy nhiên, chị Tr. không cung cấp bất cứ một loại giấy tờ chứng minh về nguồn gốc hàng hóa bày bán tại shop.
Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 79 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 quy định hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ như sau:
- Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
- Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
- Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.
- Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.
Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định có thể phạt từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật.
Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 và Nghị định 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021 sửa đổi một số điều trong Nghi định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tem nhãn của hàng hóa khi lưu thông trên thị trường Việt Nam bắt buộc phải thể hiện những nội dung sau bằng tiếng Việt: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa; nếu hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc 100% chữ nước ngoài thì phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt kèm theo thể hiện nội dung trùng khớp với nhãn gốc; có tên đơn vị nhập khẩu và phân phối,...
Khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định “hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính từ 500 nghìn đồng đến 50 triệu đồng tùy vào mức giá trị hàng hóa vi phạm.
Việc tại cửa hàng Thanh Trà bày bán khá nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả nhãn hiệu nêu trên có thể bị phạt hành chính bằng tiền và áp dụng thêm các biện pháp xử phạt bổ sung về khắc phục hậu quả đối với các loại hàng hóa vi phạm.
Việc thường xuyên 1 năm hai lần cửa hàng Thanh Trà được cơ quan QLTT TP. Hải Phòng, kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm mà chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật chứng tỏ chủ hộ kinh doanh còn chưa nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình. Để đảm bảo sự công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật đề nghị lực lượng QLTT Hải Phòng kiểm tra và xử lý nghiêm đối với hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu nếu có.
Mai Lương