Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu cận kề, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đang có chiều hướng phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn. Thời điểm này, các lực lượng vừa căng mình kiểm soát thị trường hàng hóa tiêu dùng Tết lại vẫn phải đảm bảo chặn đường kịp thời các loại thực phẩm thiếu an toàn khi Tết Nguyên đán đã gần đến.
Chặn đứng thực phẩm không rõ nguồn gốc
Một vụ việc cực lớn vừa được Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Nghệ An) phối hợp với Đội 3 (Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh), Đội Cảnh sát Hình sự - Kinh tế - Ma túy (Công an huyện Quỳnh Lưu) và các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện Quỳnh Lưu phát hiện và thu giữ ngày 31/1 vừa qua, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra xe ô tô container mang BKS 51C-74693 kéo theo rơ-moóc BKS 51R-17325 do ông Nguyễn Quang Vũ, sinh năm 1992, thường trú xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum điều khiển.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 14.392 kg sản phẩm động vật, bao gồm 5.372 kg thịt lợn; 8.600 kg sản phẩm nầm lợn và 420 kg sản phẩm trứng gà non không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng hóa trên không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc hợp pháp hàng hóa kèm theo, không có hồ sơ kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định.
Có thể thấy, đây là vụ việc điển hình về vi phạm an toàn thực phẩm mà lực lượng QLTT Nghệ An phát hiện trong thời gian qua và là thành tích đặc biệt xuất sắc trong Kế hoạch mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Tại Hải Phòng, cục QLTT thành phố Hải Phòng cũng mới thông tin về đợt triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm, kiểm tra, kiểm soát thị trường trong đợt trước trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Theo đại diện Cục này, trong đợt cao điểm này, các Đội đã tập trung toàn bộ lực lượng, tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại trên địa bàn được quản lý.
Qua công tác quản lý địa bàn, nhiều ngày theo dõi quy luật, phương thức hoạt động của các đối tượng kinh doanh tôm trên địa bàn được giao quản lý, Đội QLTT số 7 cùng với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hải Phòng cùng Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an Thành phố), Công an phường Tràng Cát (quận Hải An) đã phát hiện, bắt giữ xe mô tô kéo theo xe ba bánh tự chế vận chuyển 8 thùng xốp đựng tôm sú ướp lạnh với khối lượng khoảng 83,6kg đi tiêu thụ.
Qua kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số lượng tôm nói trên. Tiến hành đấu tranh, chủ hàng thừa nhận số tôm trên được bơm tạp chất tại nhà riêng của chủ hàng có địa chỉ tại phường Tràng Cát quận Hải An. Đoàn kiểm tra tiếp tục thực hiện kiểm tra tại cơ sở, phát hiện 2 xô chứa agar đã nấu, 6 túi bột agar nhãn hiệu Duy Mại, khối lượng tịnh 50g/gói chưa sử dụng và 4 xi lanh loại 20ml, trong đó có 2 xi lanh đã gắn kim tiêm.
Ngày 27/1, tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Đội Cơ động dẫn đoàn, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tuần tra trên quốc lộ 1A, tại Km486 + 400 thuộc phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh phát hiện xe ô tô mang BKS 29C - 896.93 do Phan Văn Thiên, sinh năm 1993, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An điều khiển có biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển hơn 5 tấn thực phẩm không có giấy tờ hợp lệ, không rõ nguồn góc xuất xứ gồm: nầm lợn, gà, một số nội tạng động vật.Được biết, số hàng nói trên được vận chuyển từ một tỉnh phía Bắc đưa vào các tỉnh miền Trung tiêu thụ.
Trước đó, chiều ngày 26/1/2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội 389 tỉnh Lạng Sơn và Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và tịch thu gần 1,2 tấn hồng sấy dẻo nhập lậu khi các đối tượng đang vận chuyển và tập kết để vận chuyển về nội địa tiêu thụ trong dịp Tết.
Qua kiểm tra thực tế phát hiện trên xe đang vận chuyển 1.155 kg hồng quả sấy dẻo sản xuất ngoài Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa ước tính gần 70 triệu đồng. Lái xe kiêm chủ hàng là ông Vi Thành Tâm, địa chỉ xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình khai nhận số hồng trên được mua trôi nổi ngoài thị trường về bán kiếm lời nên không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ kiểm dịch theo quy định.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, hiện nay lượng hàng thực phẩm nhập lậu đang gia tăng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Theo đó lực lượng chức năng đã cảnh báo người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi tiêu dùng đối với các sản phẩm này hoặc nếu có thông tin về hàng hóa vi phạm cần thông tin ngay cho lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Quyết liệt ngăn chặn
Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại… Phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo này, lực lượng 389 trên các địa bàn đã thực hiện nhiệm vụ chốt chặn không để thực phẩm bẩn có thể len lỏi vào các đời sống, sản xuất câu chuyện giám sát chặt đường đi của các sản phẩm không để ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Bên cạnh việc tích cực tuần tra kiểm soát, chống các hành vi gian lận thương mại, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã có những biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hàng hóa sản xuất trong nước . Cụ thể: Xác định nhiệm vụ tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân để nâng cao nhận thức người tiêu dùng về hàng hóa sản xuất trong nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng kỹ năng nhận biết hàng thật, hàng giả; tuyên truyền về các văn bản pháp luật liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm liên quan đến người sản xuất, kinh doanh…
Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến thông qua các hội chợ triển lãm hàng thật, hàng giả; phối hợp với các cơ quan truyền thông công bố công khai trên các phương tiện thông tin báo chí các vụ việc, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng mới xuất hiện, tổ chức công khai các đợt tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng để nâng cao nhận thức của người dân.
Thông qua công tác tuyên truyền, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn đúng đắn về hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời sẽ tố giác, tẩy chay đối với các hàng hóa nhập lậu giả các thương hiệu nội địa hoặc các hàng hóa sản xuất trong nước kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, người tiêu dùng cần thực hiện các biện pháp để trở thành “người tiêu dùng thông thái. Trước hết, người tiêu dùng phải tự trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như kiến thức về tiêu dùng, đặc biệt khi mua và sử dụng hàng hóa phải lựa chọn những mặt hàng, thương hiệu đã biết trước, có nguồn gốc rõ ràng, có thời hạn bảo hành, thời hạn sử dụng, nhãn thực phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước; cần tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua tiếp cận các khác biệt mới xuất hiện. Ngoài ra, người tiêu dùng khi mua hàng cần phải lấy hóa đơn để bảo vệ quyền lợi của mình.