Ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới

22:01 12/06/2023
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) mới đây đã có Công văn số 57/BCĐ389-VPTT chỉ đạo ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc TW tăng cường kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới Việt Nam

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu:

Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành (Tài chính, Quốc phòng, Công Thương, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam), các cơ quan, đơn vị, lực lượng trung ương (Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục An ninh kinh tế) và ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng, các đơn vị, địa phương các cấp triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Hải quan cửa khẩu Thường Phước (Cục Hải quan Đồng Tháp) kiểm tra phương tiện nhập cảnh.Hải quan cửa khẩu Thường Phước (Cục Hải quan Đồng Tháp) kiểm tra phương tiện nhập cảnh..

Theo đó, các đơn vị quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 426/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam và Quyết định số 172/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn, lĩnh vực đơn vị mình phụ trách, quản lý.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình; phối hợp tổ chức triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi tập kết, buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển vào Việt Nam và các hành vi giết mổ, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nội địa.

Đồng thời, bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về các hoạt động vi phạm nêu trên với cơ quan thú y các cấp; phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống các hoạt động tập kết, buôn lậu, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương kịp thời tổ chức tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật, sản phẩm động vật; tuyên truyền về tình hình, kết quả kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm nêu trên của các ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương; đồng thời, tổ chức vận động người dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật, sản phẩm động vật, nhất là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.

Để triển khai thực hiện kịp nghiêm túc, hiệu quả Công văn số 57/BCĐ389-VPTT, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện của các lực lượng, đơn vị, địa phương; theo dõi, tổng hợp, kịp thời báo cáo, đề xuất Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia...

PV