Top 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2020

10:34 05/01/2021
Khép lại năm 2020 đầy biến cố trên toàn thế giới do tác động của Covid-19, Việt Nam vẫn có những điểm sáng ấn tượng như tổ chức thành công đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương; Việt Nam là điểm sáng của thế giới trong kiểm soát dịch bệnh, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020;...

Tổ chức thành công đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương

Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, toàn bộ 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, đại hội được tổ chức đúng quy định, đảm bảo chất lượng. Đây là một kết quả đáng ghi nhận khi các đại hội đã cố gắng hoàn thành tốt công tác tổ chức trong bối cảnh cả nước vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ và tiếp tục phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Một trong những thành công nổi bật của các Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương vừa qua là công tác nhân sự đã được chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng. 67 đại hội đã bầu đủ 1.381 đại biểu chính thức và 131 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dự kiến diễn ra vào quý I/2021.

Các tổ chức Đảng đã phát huy dân chủ, trí tuệ, làm sáng tỏ thời cơ cũng như thách thức để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, có tính khả thi cao trong 5 năm tới.

Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao trong công tác phòng chống dịch Covid-19Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao trong công tác phòng chống dịch Covid-19

Việt Nam là điểm sáng của thế giới trong kiểm soát đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh toàn cầu đang vất vả ứng phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam trở thành điểm sáng do kiểm soát thành công dịch bệnh trên nhiều phương diện, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì ổn định phát triển KT-XH.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc" các lực lượng quân đội, công an, y tế liên minh hình thành các khu cách ly tập trung, kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đảm bảo phát hiện kịp thời các ca bệnh, khoanh vùng, cách ly dập dịch ngay. Chính phủ đã chấp nhận thiệt hại một phần về kinh tế để đổi lấy an toàn về sức khỏe, tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh.

Ngoài ra, Việt Nam đã nhanh chóng thành công trong việc phân lập chủng virus corona mới, trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới nuôi cấy thành công virus này. Cùng với đó là việc nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm; nhiều loại sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm virus corona, bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người vào cuối tháng 12…

GDP tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng

Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều quốc gia đã phải đóng cửa, giãn cách xã hội thời gian dài, khiến hàng loạt nền kinh tế suy thoái, tăng trưởng âm. Trong khi đó, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) đạt 2,91%. Kinh tế Việt Nam cũng ghi nhận những điểm sáng như: xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 20 tỷ USD; thu hút 2.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt gần 15 tỷ USD...

Thành công này có được là nhờ sự điều hành linh hoạt của Chính phủ khi triển khai hàng loạt chính sách cứu trợ như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng thuê đất trị giá 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng...

Kết thúc năm 2020, bức tranh kinh tế Việt Nam nhìn chung đã được khắc họa rõ nét. Việt Nam đã ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi, điển hình như các động lực tăng trưởng chính đã cơ bản vận hành trở lại.

Bước đột phá trong chương trình chuyển đổi số quốc gia

Trong bối cảnh đại dịch, Covid-19 vô tình là chất xúc tác cho chuyển đổi số lan tỏa sâu rộng trong đời sống của từng người dân Việt Nam. Những lĩnh vực tưởng như khó thay đổi nhất vì nhiều quy trình phức tạp, thì nay lại tiên phong đi đầu chuyển đổi số, như giáo dục, y tế, giao thông…

Gần 80% học sinh Việt Nam được học trực tuyến trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19 theo báo cáo OECD. Đầu tháng 5/2020, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam "số hoá" địa chỉ bằng mã bưu chính, tức người dân có thể tạo mã để làm địa chỉ giao nhận hàng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số và thương mại điện tử. Tháng 9, Bộ Y tế khánh thành hơn 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa, giúp các bác sĩ tuyến dưới và người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao. Cuối tháng 11, ba nhà mạng lớn đồng loạt phát sóng thử nghiệm thương mại 5G, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu cuộc đua 5G, mở ra cơ hội thúc đẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi ngoạn mục bất chấp dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến một đợt sụt giảm nhanh và mạnh chưa từng thấy trên các thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Quý 1/2020, TTCK chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh, chỉ trong hai tháng VN-Index đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm. Nhưng với những nỗ lực từ phía Chính phủ và cơ quan quản lý, TTCK đã phục hồi nhanh chóng trong chín tháng còn lại của năm 2020 với những con số ấn tượng.

Chỉ số chứng khoán phục hồi mạnh mẽ với chỉ số VNIndex đạt 1003,08 điểm, tăng 4,4%; chỉ số HNX-Index đạt mức 147,7 điểm, tăng 44% so với cuối năm 2019. Thanh khoản của thị trường cổ phiếu duy trì ở mức khá cao với giá trị giao dịch bình quân đạt 6.671 tỷ đồng/phiên, tăng 43,2% so với năm trước. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4.770 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2019, tương đương 79% GDP.

Thị trường TTCK Việt Nam cũng xác lập kỷ lục hai tháng liên tiếp (vào tháng 9 và tháng 10) khi có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao chiếc búa gỗ cho Đại sứ Brunei tại Việt NamThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao chiếc búa gỗ cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam
Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

Năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam đồng thời đảm nhận sứ mệnh Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đặc biệt, 2020 còn là năm cả thế giới đối diện với thảm họa y tế và kinh tế toàn cầu do Covid-19 gây ra, đòi hỏi mỗi quốc gia và mỗi khối liên kết phải tìm cách đối phó.

Với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã tổ chức thành công tất cả các cuộc họp Cấp cao 36 và 37 dưới hình thức trực tuyến và bán trực tuyến, cùng hơn 30 cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng và tương đương. Tại các cuộc họp, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến về Khung phục hồi tổng thể, Quỹ ứng phó Covid-19, Kho vật tư y tế...

Kết thúc Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). RCEP là FTA chung giữa khối và 5 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Ngày 15/11, Việt Nam đã trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN 2021 cho Brunei, khép lại một Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với thành công vang dội.

Người dân phải hứng chịu nhiều sự cố môi trường liên tiếp

Năm 2020, đầu năm mưa đá, dông lốc đã trút xuống dữ dội ở các tỉnh thành miền Bắc, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và gay gắt ở đồng bằng sông Cửu Long. Các tháng mùa khô, thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Trong tháng 10 - 11/2020, 7 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào khu vực miền Trung, trong đó bão số 9 là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, mưa lớn kéo dài với tổng lượng mưa gấp 3,0-3,5 lần so với trung bình nhiều năm với nhiều điểm vượt lịch sử. Lũ lụt đã làm 249 người chết, mất tích; khoảng 50.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; hơn 4,5 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 149.000 ha rừng bị ảnh hưởng; nhiều cơ sở hạ tầng và công trình dân sinh bị hư hỏng nặng.

Giáo dục đại học Việt Nam có nhiều khởi sắc

Trong năm 2020, có nhiều trường đại học Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hạng của thế giới. Cụ thể, ngày 18/2, Times Higher Education đã công bố top 500 trường đại học hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi. Việt Nam có 3 trường được xếp hạng là ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngày 22/4, trường ĐH Tôn Đức Thắng lọt top 200 đại học có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng các đại học có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2020.

Ngày 15/7, hệ thống xếp hạng đại học Thượng Hải - hệ thống xếp hạng đại học khó nhất thế giới, xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào Top 400 và 500 đại học tốt nhất thế giới theo một số nhóm ngành học thuật năm 2020.

Ngày 25/11, Tổ chức giáo dục QS công bố kết quả xếp hạng các đại học tốt nhất trong khu vực châu Á 2021 trong đó Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 634 cơ sở giáo dục đại học được tổ chức này đánh giá là tốt nhất trong toàn châu Á.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư để giảm phụ thuộc vào Trung QuốcViệt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Đón “sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

Vài năm trở lại đây, xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc đã bắt đầu, không phải chỉ trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19 hoặc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lên cao. Bởi vì, “công xưởng của thế giới đang quá lớn, đã đến giới hạn” và việc Trung Quốc kiểm soát các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay khiến các nước bắt đầu lo ngại. Các nhà đầu tư cần đa dạng hóa thị trường đầu tư để phân tán rủi ro.

Trong bối cảnh chuyển dịch, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội trở thành công xưởng sản xuất mới của thế giới. Lợi thế về chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, chống dịch Covid-19 xuất sắc, dân số đông và trẻ,… tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Đơn cử như Apple bắt đầu chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và tăng số lượng tai nghe sản xuất tại Việt Nam. Còn Google và Microsoft cũng đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam...

Du lịch Việt Nam giành nhiều giải thưởng lớn

Có thể nói, năm 2020 du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Song Việt Nam vẫn khẳng định sức hút qua hàng chục giải thưởng quốc tế. Tháng 2/2020 Việt Nam vào top 20 nước phát triển du lịch nhanh nhất thế giới. Tháng 11/2020, Việt Nam chiến thắng trong cuộc bình chọn các hạng mục: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á... của giải thưởng danh giá World Travel Awards. Ngoài ra, Việt Nam còn đứng đầu 16 hạng mục khác của giải thưởng "Oscar du lịch" này ở các lĩnh vực lữ hành, hàng không, điểm đến, khách sạn, resort...

Sự kiện tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người ngày 17/12 mở ra tương lai đầy hy vọng cho du lịch Việt Nam. Một kịch bản phục hồi bền vững cùng tâm thế sẵn sàng quay trở lại đường đua là điều cần thiết để ngành công nghiệp không khói khởi sắc trong năm 2021.

 PV

Từ khóa: Việt Nam