2 tấn vải thiều đầu tiên đã xuất khẩu sang Nhật Bản

16:29 21/06/2020
Theo thông tin mới nhất từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã thực hiện xong các thủ tục hải quan tại Nhật, chờ phân phối về hệ thống siêu thị.

Vải thiều xuất Nhật được bảo đảm đúng quy trình sản xuất GlobalGAP. Ảnh: Cục Bảo vệ thực vậtVải thiều xuất Nhật được bảo đảm đúng quy trình sản xuất GlobalGAP. Ảnh: Cục Bảo vệ thực vật

Cụ thể, tổng lượng vải thiều là 2 tấn (của Công ty cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, mỗi doanh nghiệp 1 tấn), được vận chuyển bằng đường hàng không đến Nhật Bản trong thời gian 6 tiếng.

Lô hàng hiện đã làm xong các thủ tục hải quan, kiểm dịch…, thông quan và đang trong kho lạnh chờ phân phối về hệ thống siêu thị tại thị trường Nhật Bản.

“Các nhà nhập khẩu của Nhật Bản rất vui mừng, háo hức chào đón quả vải tươi của Việt Nam, đặc biệt khi lô hàng đã vượt qua mọi thủ tục và quy trình khắt khe của phía Nhật”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho hay.

Trước đó, ngày 17/6, sau thời gian thực hiện cách ly phòng chống Covid-19 theo đúng quy định, chuyên gia Nhật Bản đã trực tiếp đến huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng vải thiều theo thỏa thuận giữa hai bên. Tại đây, chuyên gia Nhật Bản đánh giá, dây chuyền khử trùng vải thiều của Việt Nam vượt cả mong đợi của phía đối tác Nhật Bản.

Ngay sau đó, ngày 18/6, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu thu mua vải thiều của người dân xã Tân Sơn và Hộ Đáp (Lục Ngạn) để xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản.

Lô vải thiều đầu tiên đang chờ phân phối đến hệ thống siêu thị tại Nhật Bản. Ảnh: Cục Bảo vệ thực vậtLô vải thiều đầu tiên đang chờ phân phối đến hệ thống siêu thị tại Nhật Bản. Ảnh: Cục Bảo vệ thực vật

Đây là chuyến vải thiều đầu tiên trong năm nay của tỉnh Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Toàn bộ diện tích vải này được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật Bản, bảo đảm đúng quy trình sản xuất GlobalGAP và thường xuyên có chuyên gia Nhật Bản kiểm tra, đánh giá, khảo sát quy trình sản xuất.

Sau khi thu mua vải, toàn bộ sản phẩm được xông hơi, khử trùng, sơ chế, làm khô, đóng hộp, đưa vào bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu (Lục Ngạn); sau đó vận chuyển sang Nhật Bản.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối vụ, phía Nhật Bản sẽ tiêu thụ khoảng 100 tấn vải thiều Lục Ngạn.

 Theo Hải quan Online