Cần gỡ vướng chính sách hỗ trợ cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

17:19 22/10/2021
Thiếu quy định cụ thể nên việc xử lý vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ, hay như chế tài chưa đủ mạnh để xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái… đã khiến cơ quan Hải quan, Quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cơ quan Hải quan tăng cường theo dõi, giám sát các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng để gian lận. Ảnh: T.TrCơ quan Hải quan tăng cường theo dõi, giám sát các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng để gian lận. Ảnh: T.Tr

 

Cần có quy định rõ ràng cho hàng hóa có xuất xứ Việt Nam

Thời gian qua, ngành Hải quan đã và đang tập trung triển khai chuyên đề về công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ, nhãn mác. Chỉ riêng trong tháng 9/2021, thực hiện chuyên đề kiểm tra đối với mặt hàng hạt điều xuất khẩu, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện 18 vụ việc có nhiều dấu hiệu vi phạm. Trong đó, đã phát hiện có những doanh nghiệp gian lận xuất xứ hạt điều thuần túy Việt Nam khi xuất khẩu và đã xử lý 2 doanh nghiệp. Phát hiện 4 doanh nghiệp khác hoạt động thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa, khi kiểm tra thì doanh nghiệp không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh, hải quan đã chuyển thông tin vụ việc đến cơ quan công an tiếp tục xác minh, làm rõ các dấu hiệu vi phạm.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU, Ấn Độ có sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, việc xử lý vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thực tiễn vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi các quy định pháp luật hiện hành chưa rõ ràng, chưa cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đã có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2020, quy định xử lý hành vi giả mạo xuất xứ với chế tài rất nặng, nhưng thực tế lại chưa thể xử lý được. Lý do là vẫn chưa có quy định cụ thể, thống nhất cách hiểu thế nào là “giả mạo xuất xứ” nên khi xử lý đã dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện từ phía người vi phạm.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng, Chính phủ cần có Nghị định mới sửa đổi, bổ sung các qui định bất cập hiện hành theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, cách thức ghi tem nhãn, thế nào là hàng hóa “giả mạo xuất xứ”... Sửa đổi, bổ sung các quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan còn bất cập về vấn đề này đảm bảo có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ, ngành chức năng đối với các tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa để kịp thời chấn chỉnh việc cấp chứng từ không đúng quy định; tăng cường theo dõi, giám sát các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng để gian lận...

Đồng thời, các cơ quan chức năng báo cáo Chính phủ sửa Điều 17 Nghị định 128/2020/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp nhưng cũng giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Chế tài chưa đủ mạnh để xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn đang tiếp diễn và ngày càng gia tăng theo chiều hướng tinh vi. Thậm chí, có thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng vừa ra mắt sản phẩm mới, ngay lập tức, mặt hàng đó đã bị làm giả, làm nhái.

Là một trong những lực lượng chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường xử lý hàng chục nghìn vụ về hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT, chuyển nhiều vụ việc cho cơ quan công an để khởi tố hình sự.

Hiện có rất nhiều cơ quan thực thi có thẩm quyền xử lý hàng giả, xâm phạm quyền SHTT dẫn đến chức năng, nhiệm vụ bị chồng chéo; cơ chế phối hợp vẫn chưa đồng bộ, phân tán… Lợi dụng chế tài xử lý vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn nhẹ, đặc biệt với hàng vi phạm có trị giá thấp hơn mức xử lý hình sự (200 triệu đồng), trong khi lợi nhuận thu được từ kinh doanh mặt hàng này lớn, một số đối tượng vẫn tái phạm nhiều lần.

Được biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 về Kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2021- 2025. Chuyên đề này được triển khai theo lộ trình đến năm 2025, tập trung thực hiện đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, ký cam kết, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm hướng đến đạt được các mục tiêu ngăn chặn triệt để hành vi kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT trên thị trường truyền thống cũng như trên môi trường thương mại điện tử.

Tuy nhiên, để có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái Tổng cục Quản lý thị trường đã đề nghị tại dự thảo Luật SHTT cũng như sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, xử lý hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT có yếu tố tái phạm. Đối với xử lý hàng hóa giả mạo SHTT, Tổng cục Quản lý thị trường cũng tham gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung hướng dẫn, quy định về vấn đề quy mô thương mại, đồng thời bổ sung xử lý hình sự đối với hành vi tái phạm sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo SHTT.

Hải Nam