Đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá tối đa

15:31 17/04/2020
Đó là thông tin Bộ Tài chính đưa ra trước nhiều luồng dư luận trái chiều về việc tăng giá sách giáo khoa gấp 3-4 lần của một số nhà xuất bản.

Hiện nay có 3 nhà xuất bản thực hiện cung ứng sách giáo khoa ra thị trường là đã thực hiện theo đúng tinh thần xã hội hóaHiện nay có 3 nhà xuất bản thực hiện cung ứng sách giáo khoa ra thị trường là đã thực hiện theo đúng tinh thần xã hội hóa

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), SGK giáo dục phổ thông hiện nay đang được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá, trong đó giá SGK được thực hiện theo quy định tại pháp luật về giá, thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, nhưng không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.

Thay vì trước đây chỉ có Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục được quyền xuất bản SGK thì nay theo Luật Giáo dục, Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK phổ thông, đã và sẽ có nhiều NXB thực hiện cung ứng SGK ra thị trường.

Theo Cục Quản lý giá, trước đây chi phí tổ chức bản thảo lần đầu do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ trong giá bán SGK nên giá thành có giảm hơn so với SGK đã được xã hội hóa. Nhưng hiện nay, trong bảng kê khai giá được các NXB gửi đến bao gồm: Chi phí giấy, công in, nhuận bút, tổ chức bản thảo, chi phí quản lý, chi phí lưu thông, bán hàng, chi phí tích hợp công nghệ 4.0, lợi nhuận của NXB... cho thấy các khoản chi nhiều hơn trước.

Do đó, theo đại diện Cục Quản lý giá, nếu chỉ so sánh đơn thuần về mức giá của các bộ sách thì so với bộ sách lớp 1 cũ (Bộ sách đã được dùng cho năm học 2019 - 2020), bộ SGK mới có mức giá cao hơn.

Theo các chuyên gia, về lâu dài, với việc xã hội hóa việc biên soạn SGK sẽ tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các NXB thông qua chất lượng cũng như giá bán SGK, và quyền lựa chọn thuộc về người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hiện xã hội hóa hiện nay, các chi phí hình thành SGK do các NXB tự trang trải và có thể việc tự định giá SGK ở mức cao so với nhu cầu của xã hội.

Việc này tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt đối với người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Vấn đề này Bộ GD & ĐT cũng đã tính đến khi kiến nghị Chính phủ kiểm soát bằng hình thức định giá tối đa.

Từ thực tế trên, kết hợp kinh nghiệm quốc tế của những quốc gia có điều kiện tương đồng, trong thời gian tới đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp để điều tiết giá, đảm bảo công bằng giữa các nhà xuất bản. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn.

Theo Bộ Tài chính, việc cơ quan nhà nước xem xét để quy định mức giá trần (giá tối đa) cho bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Hằng Vương

Theo Thuonghieucongluan.com.vn