Giải pháp nào chống buôn lậu qua biên giới tại một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long?

17:13 13/05/2022
Các tỉnh biên giới thuộc đồng bằng Sông Cửu Long có đường biên giới đất liền và trên biển trải dài tiếp giáp với Campuchia và Thái Lan. Thời gian gần đây tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiếp tục gia tăng trở lại. Nổi lên là khu vực Nha Sáp; Cầu cáp treo chợ Đình thuộc xã Dĩnh Điều, tỉnh Kiên Giang...
Các lực lượng chức năng  phối hợp và phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp trong công tác chống buôn lậu. Ảnh: T.Trang.Các lực lượng chức năng phối hợp và phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp trong công tác chống buôn lậu. Ảnh: T.Trang.

Thời gian gần đây, hệ thống đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thường xuyên nhận được tin báo về tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các tỉnh nêu trên. Hàng lậu gồm trâu bò, thuốc trừ sâu, thuốc lá, đường cát,…

Sau 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” khiến cho giao thương qua lại của người dân giữa Việt Nam - Campuchia và Thái Lan tại một số tỉnh biên giới thuộc đồng bằng sông Cửu Long được nối lại, từ đó  đẫn đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phức tạp trở lại, mặc dù công tác tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới được các lực lượng chức năng triển khai, thực hiện chặt chẽ.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang được biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng hóa qua biên giới trong quý 1/2022 vẫn diễn biến phức tạp. Điển hình, trong tháng 2/2022 tại vùng biển cách Nam đảo Thổ Chu khoảng 55 hải lý, lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với lực lượng nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã phát hiện tàu cá mang số hiệu KG 94337 TS đang vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO. Qua kiểm tra lực lượng chức năng xác định toàn bộ số dầu trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Thêm vào đó, tình trạng vận chuyển các mặt hàng như đường cát, thuốc lá lậu trong thời gian gần đây cũng diễn ra hết sức phức tạp. Với thủ đoạn các đầu nậu sử dụng bộ đàm để trao đổi theo dõi các lực lượng chức năng trong quá trình vận chuyển hàng lậu. Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng điều kiện thuận lợi của địa hình đồng băng, sông nước tại khu vực biên giới, hoặc giờ nghỉ hay đêm tối và sự sơ hở của các lực lượng chức năng để buôn lậu. Nguy hiểm hơn, khi bị phát hiện, các đối tượng tập trung, lôi kéo người dân sẵn sàng chống đối, thậm chí hành hung lực lượng chức năng để tẩu tán hàng hóa, tang vật vi phạm. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu lợi dụng người dân trên địa bàn tổ chức theo dõi, đề phòng lực lượng chức năng, nên quá trình tiếp cận, theo dõi, phát hiện bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn.

Điển hình ngày 22/02/2022, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Long An phát hiện, bắt giữ 02 xe ô tô tải có hành vi vận chuyển 200 bao đường cát (loại 50kg/bao), tương đương 10 tấn. Qua kiểm tra ban đầu số đường cát nêu trên do nước ngoài sản xuất và không có chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các tỉnh biên giới thuộc đồng bằng sông Cửu Long có những chuyển biến căn bản hơn, thiết nghĩ các địa phương và lực lượng chức năng tại đây cần quan tâm một số nội dung sau:

Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đồng bằng sông Cửu Long quan tâm hơn nữa tới công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt với phương châm quản lý chặt địa bàn, kiểm soát tình hình và kiềm chế được đối tượng, không để hình thành các đường dây, ổ nhóm, điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa phương mình.

Các lực lượng chức năng củng cố và phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay từ khâu thu thập chia sẻ thông tin, tổ chức phát hiện, đến khâu bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm trên cơ sở có sự phân công cụ thể rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ. Đặc biệt gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc buôn lậu kéo dài gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh, trật tự trên địa bàn mà không được xử lý.

Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kịp thời phát hiện phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, bảo kê, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, có cơ chế giám sát, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chuyên trách. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm.

Làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn để người dân tin tưởng, ủng hộ lực lượng chức năng trong công tác này. Cùng với đó cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động để mọi người dân hiểu, không tiếp tay, làm chỗ dựa cho các đối tượng đầu nậu lợi dụng để buôn lậu./.

Đoàn Ngọc Toàn