Hải quan tăng cường đầu tranh chống buôn lậu thiết bị y tế phòng chống dịch và thuốc điều trị Covid-19

13:58 01/03/2022
Trước tình hình dịch Covid-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu các mặt hàng phòng, chống dịch và thuốc điều trị tăng cao, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1, Cục Điều tra chống bu ôn lậu,Tổng cục Hải quan) xác định nguy cơ buôn lậu thiết bị y tế phòng chống dịch và thuốc điều trị Covid-19 vẫn hết sức phức tạp.

Vụ bắt giữ 85.000 kit xét nghiệm nhanh Covid-19 ngày 17/2/2022. Ảnh: Trần Ánh.Vụ bắt giữ 85.000 kit xét nghiệm nhanh Covid-19 ngày 17/2/2022. Ảnh: Trần Ánh. 

Phó Đội trưởng Đội 1, Bùi Trọng Thanh cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát với mặt hàng thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, ngày 17/2, tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Đội 1 đã chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội khám xét lô hàng vi phạm.

Lô hàng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Kết quả khám xét phát hiện hơn 85.000 kit xét nghiệm nhanh Covid-19 các loại có xuất xứ Hàn Quốc, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng.

Theo quy định, kit xét nghiệm Covid-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu. Vụ việc đang được cơ quan Hải quan tiếp tục điều tra xác minh, làm rõ theo quy định.

Trước đó, vào thời điểm cận tết Nguyên đán Nhâm Dần, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Đội 1 đã tập trung rà soát, kiểm tra các công ty có hoạt động nhập khẩu và sản xuất chất thử, hóa chất dùng trong sản xuất mặt hàng bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19.

Qua rà soát trọng điểm đối với những doanh nghiệp có kim ngạch nhập khẩu lớn chất thử, hóa chất trong 2 năm (2020 và 2021), nổi lên 4 doanh nghiệp có kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến trong năm 2021. Ngay sau đó, Đội 1 đã triển khai xác minh làm rõ các nội dung có liên quan đến hoạt động XNK của 4 công ty này và kịp thời báo cáo kết quả với lãnh đạo Cục, lãnh đạo Tổng cục. Đồng thời đề xuất làm việc với C03 (Bộ Công an) để cùng phối hợp đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm trong việc nâng khống giá bán trên thị trường nội địa để thu lợi bất chính và đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm trước pháp luật.

Theo Phó Đội trưởng Đội 1 Bùi Trọng Thanh, trước tình hình dịch Covid-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu các mặt hàng phòng, chống dịch và thuốc điều trị tăng cao, Đội 1 xác định nguy cơ buôn lậu nhóm hàng này vẫn hết sức phức tạp.

Vì vậy, Đội 1 tiếp tục tăng cường kiểm soát các mặt hàng trọng điểm (đặc biệt là các mặt hàng thuốc và trang thiết bị y tế dùng trong phòng, chống dịch Covid-19), địa bàn trọng điểm và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong và ngoài Ngành để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiệm các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

“Phương châm của đơn vị là chỉ đạo là nắm chắc diễn biến tình hình từ xa, ngăn chặn ngay tại cửa khẩu, kiên quyết không cho hàng hóa thẩm lậu vào nội địa để tiêu thụ. Đặc biệt là các loại hàng hóa liên quan đến sức khỏe cộng đồng như thuốc điều trị, thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch”, lãnh đạo Đội 1 chia sẻ.

Một số vụ bắt giữ vật tư, thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19 điển hình do Đội 1 chủ trì bắt giữ năm 2021. 1, Ngày 17-18/8/2021, Đội 1 chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa thuộc 2 tờ khai có dấu hiệu nghi vấn của Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Nhất Quang có trụ sở tại TP.Nam Định. Doanh nghiệp mở tờ khai nhập khẩu trong các ngày 13/8 và 15/8 tại Chi cục Hải quan Nam Định, Cục Hải quan Hà Nam Ninh, nhưng được kiểm hóa tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội theo 2 loại hình phi mậu dịch, nhập kinh doanh tiêu dùng, hàng hóa được khai báo là hàng mẫu và thực phẩm bổ sung nhưng kết quả kiểm tra thực tế gồm 1.500 hộp thuốc Favipiravir Tablets là thuốc kháng virus được dùng trong điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, do Ấn Độ sản xuất, doanh nghiệp không xuất trình được giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành. 2, Ngày 27/8/2021 Đội 1 chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra thực tế 4 lô hàng vi phạm (nhập khẩu từ Nga), phát hiện 180 bộ kit test nhanh Covid-19 và 330 hộp thuốc Arbidol - mặt hàng được quảng cáo trên thị trường dùng trong điều trị Covid-19 trà trộn với nhiều mặt hàng khác như rượu mạnh, thuốc lá điện tử, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… 3, Ngày 14/9/2021, Đội 1 chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội), Cục Cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an) kiểm tra 15 kiện hàng có dấu hiệu vi phạm được vận chuyển từ Ấn Độ về Việt Nam qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sau đó chuyển tiếp ra sân bay quốc tế Nội Bài trên một chuyến bay nội địa. Kiểm tra thực tế đã phát hiện hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị Covid-19 và điều trị ung thư do Ấn Độ sản xuất. Mở rộng điều tra từ vụ viêc nêu trên, ngày 28/9/2021 Đội 1 tiếp tục chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) khám xét thêm 8 kiện hàng nghi vấn. Kiểm tra thực tế phát hiện 17.000 viên thuốc điều trị Covid-19 và điều trị ung thư đều do Ấn Độ sản xuất. Tiếp đó, cũng từ thông tin trinh sát và đơn vị phối hợp trong Ngành. Cuối tháng 10/2021, Đội 1 chuyển thông tin cho Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu) phối hợp với Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TPHCM) theo dõi, kiểm tra thực tế 2 kiện hàng nhập khẩu theo loại hình quà biếu, tặng, đã phát hiện 266 hộp thuốc các loại gồm hơn 3.000 viên thuốc dùng trong điều trị Covid-19 do Nga sản xuất.
Thái Bình