Hình minh họa
Tại phiên họp, về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, bởi hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, nhưng có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. Mặt khác, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.
Theo đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm đưa hộ kinh doanh vào luật thay vì nghị định để tăng vị trí pháp lý của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cần tách hộ kinh doanh thành một luật riêng sẽ hợp lý hơn, chứ không nên đưa nội dung này vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vì như vậy Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ không thể bao hàm được hết.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh điều chỉnh bởi văn bản luật là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cách thức hoạt động và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với các doanh nghiệp, nếu chính sách, quy định chưa phù hợp có thể gây khó khăn cho hàng triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Do vậy, cần xây dựng một luật riêng cho phù hợp. Còn nếu vẫn quyết định đưa nội dung này vào luật, đại biểu cho rằng, tên gọi của dự thảo luật cần phải thay đổi thành Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh để phù hợp với nội dung cũng như phạm vi điều chỉnh.
Các đại biểu cũng nêu hiện trạng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh rất lớn, nhưng thực tế số doanh nghiệp đang hoạt động lại ít hơn nhiều. Do vậy, dự thảo luật cần có các quy định về quản lý, thanh tra cho phù hợp.
Đối với mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp được nhắc đến trong dự thảo luật, các đại biểu cơ bản thống nhất với phương án bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Các đại biểu đều cho rằng, việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần có đánh giá tác động cụ thể về quy định này, để đảm bảo được cơ chế kiểm soát và đủ cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Theo Tạp chí Thuế