"Ông lớn" Coteccons dính lùm xùm trước thềm đại hội cổ đông

15:29 04/06/2020
Công ty Cổ phần xây dựng Coteccons vừa có văn bản phản hồi thông tin vụ việc cổ đông lớn Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) yêu cầu Ban lãnh đạo chủ chốt Coteccons từ chức và muốn tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường để bầu Hội đồng quản trị mới.

Cổ đông lớn của Coteccons muốn thay đổi HĐQT hiện tại, bầu HĐQT mới. Ảnh: Internet.Cổ đông lớn của Coteccons muốn thay đổi HĐQT hiện tại, bầu HĐQT mới. Ảnh: Internet.

Đại diện Coteccons cho biết, ngày 2/6/2020, Coteccons đã nhận được thông cáo báo chí của cổ đông Kusto về việc đơn phương tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 13/7/2020.

Trước đó, ngày 2/6/2020, cổ đông lớn Kusto đã có Thông cáo báo chí trong đó nêu rõ Kusto đề xuất tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để cổ đông của Coteccons có thể biểu quyết về việc thay đổi HĐQT hiện tại, bầu HĐQT mới, đồng thời thực hiện một kiểm toán đặc biệt về hoạt động kinh doanh Coteccons liên quan đến các vấn đề về xung đột lợi ích và giao dịch với bên liên quan.

Kusto cho rằng, một số thành viên của HĐQT Coteccons đang giữ các vị trí tương tự trong Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, có quyền sở hữu đáng kể ở Ricons, đồng thời tăng cường khả năng ra quyết định trong hoạt động hàng ngày của Coteccons.

Phản đối việc sáp nhập Ricons vào Coteccons, Kusto nhấn mạnh, Ricons ngoài việc là nhà thầu phụ của Coteccons, còn có thể cạnh tranh với Coteccons bởi hoạt động kinh doanh của Ricons cũng là hoạt động kinh doanh cốt lõi của Coteccons.

Khẳng định “những cáo buộc của Kusto là vô căn cứ”, Coteccons cho biết những cáo buộc này đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty.

Về việc đơn phương yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và những cáo buộc vô căn cứ của Kusto, Coteccons cho biết, nhóm Kusto (hiện chiếm tỷ lệ sở hữu rất lớn) đã từng gửi yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 15/10/2019 và ngày 23/4/2020 nhằm bãi miễn tư cách thành viên HĐQT của Chủ tịch là ông Nguyễn Bá Dương và Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Sỹ Công. Tuy nhiên, HĐQT đã họp và bác bỏ yêu cầu trên cũng như có công văn giải thích chi tiết cho nhóm cổ đông này.

Đồng thời khẳng định, mỗi năm Coteccons được kiểm toán bởi những công ty nổi tiếng nằm trong nhóm Big 4 (PwC, KPMG, EY, Deloitte). Đây là các công ty kiểm toán nước ngoài chuyên nghiệp, không ai có thể can thiệp vào kết quả kiểm toán của họ.

Ngoài ra, HĐQT của Coteccons được vận hành minh bạch, đảm bảo luôn giám sát chặt chẽ Ban điều hành.

Coteccons có doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm, một số dự án có giá trị lên đến 7.000 tỷ đồng nên Công ty có hệ thống hàng ngàn nhà thầu phụ/nhà cung cấp. Ricons, Unicons hay bất cứ đơn vị nào khác cũng chỉ là một trong số rất nhiều nhà thầu phụ của Coteccons.

Bên cạnh đó, Công ty có hợp đồng rất chi tiết với tất cả nhà thầu phụ/nhà cung cấp trong đó quy định rõ trách nhiệm pháp lý của mỗi bên cũng như chi phí quản lý của Coteccons.

Coteccons cho biết, việc hợp nhất Unicons và Ricons vào Coteccons đã nhận được sự thống nhất của Kusto từ năm 2012. Vào năm 2015, Unicons đã được hợp nhất vào Coteccons. Tuy nhiên, Kusto đã nhiều lần phủ quyết việc sáp nhập Ricons vào Coteccons.

“Tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Nguyễn Sỹ Công tại Ricons ít hơn rất nhiều so với tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông tại Coteccons. Riêng ông Nguyễn Bá Dương không sở hữu bất cứ cổ phiếu Ricons nào. Chính vì vậy, việc vu cáo Ban lãnh đạo Coteccons tập trung nguồn lực cho Ricons là hoàn toàn không có căn cứ”, Thông cáo báo chí của Coteccons nêu.

Đại diện Coteccons cho biết, tuy thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Coteccons vẫn có kết quả kinh doanh vượt trội so với các đơn vị khác. Nhờ vậy, Coteccons là một trong số ít DN luôn trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao (30%-50%).

Đồng thời đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có những hành động cần thiết để bảo vệ thương hiệu Coteccons.

Được biết, Coteccons đã được chấp thuận tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào 30/6/2020.

Hiện Kusto đang nắm giữ 18,23% số cổ phần CTD có quyền biểu quyết.

Theo Báo Hải quan