Đồng hồ đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập khẩu trong vụ việc do Đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu) phối hợp với Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tháng 5/2020. Ảnh: T.Bình.
Muôn hình vạn trạng trên đường biển
Từ kết quả đánh giá tổng thể về công tác chống buôn lậu những tháng đầu năm của ngành Hải quan cho thấy, tuyến biển vẫn là địa bàn có nhiều chiêu thức, thủ đoạn vi phạm nhất.
Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: hành vi vi phạm chủ yếu ở tuyến biển là khai báo sai tên hàng, mã số thuế, xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá; sửa chữa, giả mạo hồ sơ, tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chờ được cấp giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, chứng từ, điều chỉnh Manifest…
Mặt khác, có trường hợp còn thường xuyên đăng ký kiểm tra vào giờ cao điểm; “chọn luồng xanh, luồng vàng” để thông quan hàng hóa bằng cách ủy thác cho doanh nghiệp chưa bị phát hiện vi phạm, mượn tên công ty đầu tư, gia công là những doanh nghiệp trước đó chấp hành tốt pháp luật hải quan để làm thủ tục.
Nếu lô hàng được hệ thống phân vào luồng đỏ, đối tượng không đến nhận hàng mà để tờ khai tự hủy, sau đó đổi doanh nghiệp nhận hàng, đổi chi cục làm thủ tục, tiếp tục mở tờ khai mới để được phân luồng xanh, luồng vàng.
Đáng chú ý, khi bị cơ quan Hải quan phát hiện hàng cấm, doanh nghiệp từ chối nhận hàng hoặc bỏ hàng.
Thủ đoạn khác là lợi dụng hình thức “quá cảnh”, “trung chuyển”, “tạm nhập tái xuất” để nhập lậu hàng hóa, làm thủ tục quá cảnh để vận chuyển lô hàng ra khỏi cảng sau đó lại đưa vào tiêu thụ nội địa; thành lập những doanh nghiệp “ma” để làm thủ tục hải quan...
Hàng hóa vi pham trên tuyến đường biển cũng rất đa dạng từ mỹ phẩm; rượu ngoại; điện thoại cũ, mới; điện tử điện lạnh cũ, mới… đến hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ; xuất xứ; động thực vật thuộc danh mục CITES; máy móc dây chuyền qua sử dụng; sắt phế liệu; thép…
Địa bàn trọng điểm tập trung vào khu vực cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Cảnh báo lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất, quá cảnh
Trên tuyến đường bộ, những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không nhiều các vụ việc nổi cộm.
Tuy nhiên, các đối tượng vẫn lợi dụng sự sơ hở trong công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; lợi dụng địa hình phức tạp, đường mòn, lối mở, đường sông biên giới, đường kênh rạch thuê cửu vạn chia nhỏ hàng hóa, mang vác qua biên giới không theo quy luật, bố trí người đi cảnh giới canh đường theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để vận chuyển hàng lậu vào nội địa để tiêu thụ.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp lợi dụng các phương thức kinh doanh tạm nhập - tái xuất, quá cảnh, trung chuyển trên các tuyến đường bộ để thẩm lậu vào nội địa.
“Qua công tác kiểm tra tờ khai vận chuyển quá cảnh đã phát hiện một số hành vi vi phạm như đánh tráo hàng trong container, khai báo không đúng với hàng hóa vẩn chuyển, rút ruột hàng hóa vận chuyển”- đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho hay.
Tuyến đường “nóng” liên quan đến nguy cơ vi phạm nêu trên là vận chuyển hàng hóa từ TP HCM đi Campuchia qua cửa khẩu biên giới các tỉnh Tây Nam; tuyến từ Hải Phòng đi Trung Quốc qua các tuyến Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên; tuyến từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đi Lào, Campuchia qua cửa khẩu các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; các tuyến hàng không từ sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất…
Hàng hóa vi phạm liên quan đến tuyến đường bộ nhiều chủng loại, tập trung vào hàng cấm, ma túy, hàng tạm nhập tái xuất, hàng tiêu dùng, các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, gia cầm, gỗ, quặng các loại, phế liệu, hàng bách hóa, khẩu trang y tế và thiết bị y tế trong phòng chống dịch Covid-19... trong đó, nhiều mặt hàng có thuế suất cao.
Tại khu vực Tây Nam bộ, hoạt động buôn lậu thuốc lá, đường kính trắng... có sự thay đổi về quy mô, thủ đoạn, đã xuất hiện nhiều hơn các vụ nhỏ lẻ, các đối tượng cử người cảnh giới khi phát hiện lực lượng chức năng sẽ “bỏ của chạy lấy người”…
Đối với tuyến hàng không, bưu điện, chiêu vi phạm điển hình là cất giấu hàng hóa trong hành lý mang theo khi nhập cảnh; không trực tiếp mà thuê người vận chuyển thay; ngụy trang, bọc nhiều lớp giấy bạc trong hành lý, hàng ký gửi, bưu phẩm, bưu kiện hoặc gia cố vali hai đáy, bìa sổ tay, trong thực phẩm, thiết bị điện tử để giấu hàng cấm; pha ma túy thành các chất lỏng, chất sệt rồi thấm vào các lớp lót vali, khăn tắm…
Hàng hóa vi phạm ở tuyến hàng không, bưu điện chủ yếu liên quan đến ma tuý, đồ hiệu, điện thoại, ngoại tệ, đồng hồ, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng...
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh cho biết: trước tình hình trên, với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đồng thời tăng cường chỉ đạo các đơn vị trong Ngành triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều kế hoạch, biện pháp quan trọng. Trong đó, tập trung vào: xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng nhạy cảm…
Với những nỗ lực trên, cập nhật trong 5 tháng đầu năm, toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 7.094 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.496 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt hơn 256 tỷ đồng.
Đặc biệt, cơ quan Hải quan khởi tố 12 vụ án hình sự; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 32 vụ.
Theo Báo Hải quan