Tổng kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trong kinh doanh thương mại điện tử tại các thành phố lớn

12:59 23/06/2020
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, từ nay đến hết năm 2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp với Tổng cục quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử.

Hàng giả, hàng nhái được rao bán tràn lan trên mạng xã hộiHàng giả, hàng nhái được rao bán tràn lan trên mạng xã hội

Từ đầu năm đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT và KTS) và Tổng cục  Quản lý thị trường (Tổng cục QLTT) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, thu thập các thông tin về dấu hiệu vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, dấu hiệu vi phạm về việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại nhiều điểm nóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và đã xử lý nhiều vụ việc lớn như: Ngày 18/3/2020, kiểm tra đồng loạt 4 điểm kinh doanh mỹ phẩm của Hệ thống Ansan Cosmetics tại TP. Hồ Chí Minh. Phát hiện và thu giữ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là 7.678 mặt hàng mỹ phẩm có xuất xứ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản như L’oreal, Innisfree, Vichy, Shiseido, Estee Lauder… được bán cho khách hàng giá thấp hơn hàng chính hãng. Các sản phẩm không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ; có nhãn gốc bằng tiếng ngước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Ngày 22/5/2020, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 đã từng bước được kiểm soát tốt tại Việt Nam thì việc mua bán hàng hóa đang dần trở lại nhịp độ thường ngày. Sau một thời gian theo dõi hai trang Facebook có tên là: YuMe Fashion và Taga  (địa chỉ số 407/1 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) bán hàng theo hình thức livestream,  tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng chục ngàn mặt hàng thời trang quần áo, giầy, ví da, túi xách, thắt lưng… có dấu hiệu làm nhái, làm giả các thương hiệu lớn thế giới đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, LV…  Các cơ sở kinh doanh này đã lợi dụng mạng xã hội, Internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm trên trong một thời gian dài. 

Trong thời gian tới, Cục TMĐT và KTS tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục QLTT để tham mưu, xử lý các vi phạm thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, trong đó mặt hàng trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép sẽ là những mặt hàng nằm trong chiến dịch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử.

Đồng thời, kiến nghị tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử, hiện Cục TMĐT và KTS đang phối hợp chặt chẽ với các Tổng cục Quản lý thị trường để hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán nguồn gốc xuất xứ,  hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia