Vietcombank để ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận 2020, lo nợ xấu tăng

09:37 27/06/2020
Sáng 26/6, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 13 năm 2020 Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãnh đạo ngân hàng này đã không đưa ra con số lợi nhuận cụ thể kỳ vọng đạt được trong năm nay.

Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 13 năm 2020 của Vietcombank. Ảnh: H.DịuĐại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 13 năm 2020 của Vietcombank. Ảnh: H.Dịu

Lợi nhuận 6 tháng có thể trên 11.000 tỷ đồng

Theo báo cáo trình ĐHĐCĐ, năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10%, đạt hơn 815 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 8% đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản năm 2020 tăng 7% so với năm 2019, đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức khoảng 8%.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Vietcombank không đưa ra con số lợi nhuận cụ thể mà đề xuất cổ đông giao HĐQT thực hiện nhằm phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19 cũng như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Báo cáo của HĐQT con cho thấy, hệ số an toàn vốn riêng lẻ (CAR) theo Basel II của Vietcombank tại 31/12/2019 ở mức 9,24%, đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, với kế hoạch tăng trưởng quy mô tài sản trong thời gian tới, dự kiến Vietcombank chỉ có thể duy trì tỷ lệ an toàn vốn trên ngưỡng tối thiểu (8%) đến cuối năm 2020.

Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu năm nay được Vietcombank đặt ra là kiểm soát không vượt 1,5% tổng dư nợ. Con số này cao hơn gần gấp đôi số thực hiện được trong năm 2019 là 0,78%.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, đây là mức tính dựa trên những ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Vì thế, ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng lên 16.700 tỷ đồng cho diễn biến nợ xấu biến động trong năm nay.

Nói về kết quả hoạt động gần 6 tháng đầu năm 2020, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, tính đến thời điểm 25/6, huy động vốn tăng 3,4%, tín dụng cũng tăng 3,4%, mức tăng của tín dụng đang ở mức khá cao so với trung bình toàn ngành ngân hàng.

Dù tín dụng tăng cao, nhưng nợ xấu mới vào khoảng 0,8% tổng dư nợ, tăng nhẹ so với mức 0,77% cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến của Vietcombank trong 6 tháng có thể tương đương cùng kỳ năm trước, tức vào khoảng trên 11.000 tỷ đồng.

Về ảnh hưởng của đại dịch đến ngân hàng, ông Dũng cho hay, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khoảng 24.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank, con số này tuy lớn nhưng so với tổng dư nợ của Vietcombank năm nay là hơn 815.000 tỷ đồng thì không đáng ngại.

Thu nhập lớn từ bảo hiểm

Cũng tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT Vietcombank đã trình phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020-2021 gồm 2 phần. Trước hết, ngân hàng sẽ phát hành 667,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2018 với tỷ lệ 18%, từ nguồn lợi nhuận giữ lại đến 31/12/2018. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III hoặc quý IV.

Tiếp đó, Vietcombank sẽ chào bán tối đa hơn 241 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn điều lệ (khối lượng chào bán có thể điều chỉnh tùy theo vốn điều lệ tại thời điểm phát hành).

Trước đó, hồi đầu năm 2019, vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng nhờ bán gần 3% vốn điều lệ cho GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho, nhưng cũng chỉ hoàn thành được 1/3 kế hoạch tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đầu năm 2018.

Tại ĐHĐCĐ năm nay, cổ đông đã đặt câu hỏi cho HĐQT Vietcombank về khoản phí nhận được nhờ thương vụ ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với FWD cũng như dự kiến của Vietcombank về tỷ trọng của bảo hiểm trong tổng thu dịch vụ.

Tổng giám đốc Vietcombank đã tiết lộ, đây là vấn đề không thế công bố do yêu cầu bảo mật nhưng là con số cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng mà một công ty bảo hiểm nhân thọ trả cho ngân hàng Việt. Việc hạch toán khoản phí này vào lợi nhuận ngân hàng sẽ tùy theo kết quả kinh doanh bảo hiểm từng năm. Ngoài khoản phí môi giới được trả, hàng năm Vietcombank còn nhận được khoản phí lớn từ kinh doanh bảo hiểm, con số này có thể sẽ lên tới hàng chục tỷ đồng trong 10-15 năm tới.

Theo Báo Hải quan

Từ khóa: Ngân hàng