Tuy nhiên, từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, các vi phạm có xu hướng gia tăng khi Trung Quốc liên tục phát hiện, cảnh báo 23 lô hàng sầu riêng Việt Nam bị nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định.
Như vậy từ tháng 5/2023 đến tháng 1/2024 có 30 lô hàng bị cảnh báo. Trong số những lô hàng bị cảnh báo, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu T.V. (Lạng Sơn) và Công ty TNHH quốc tế H.A. (Hà Nội) vi phạm nhiều nhất, mỗi doanh nghiệp có 4 lô bị cảnh báo. Tiếp đến là Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu nông sản T.P. (Lạng Sơn) có 3 lô vi phạm. 15 công ty khác bị 1 - 2 cảnh báo.
Thống kê theo địa phương cho thấy Lạng Sơn có 7 doanh nghiệp xuất khẩu có lô hàng sầu riêng vi phạm, Tiền Giang 4 doanh nghiệp, Hà Nội 3 doanh nghiệp, còn lại là các doanh nghiệp ở Đồng Nai, Đắk Lắk và TP.HCM.
Ảnh Thanhnien.vn |
Ngày 10/5, tại Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thời gian qua, Cục đã nhận được nhiều cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm các quy định của nghị định thư từ cơ sở trồng đến đóng gói. Thậm chí nhiều tỉnh diện tích trồng sầu riêng lớn nhưng vi phạm quy định nhiều lần. Cụ thể có 115 mã số vùng trồng và 72 cơ sở đóng gói vi phạm quy định, trong số này có 35 mã số vùng trồng và 29 cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần, nguy cơ đối diện việc tạm ngừng xuất khẩu. Việc theo dõi quản lý cấp mã số cũng như giám sát các cơ sở này sau khi được cấp mã số đã được phân cấp về địa phương cấp tỉnh nhưng một số nơi buông lỏng quản lý.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung thừa nhận: Thời gian qua, việc quản lý chất lượng sầu riêng của chúng ta chưa được tốt. Ngoài việc vi phạm các quy định của nghị định thư thì các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm, tồn dư hóa chất cũng đã được cảnh báo. Tình trạng thiếu liên kết, tranh mua tranh bán dẫn đến chất lượng không được đảm bảo, đặc biệt là khâu thu hoạch có vấn đề rất lớn. Có tình trạng trái sầu riêng bổ ra không có màu và mùi vị đặc trưng. "Sau hội nghị này, trước mắt các địa phương phải tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói, cũng như tuyên truyền người dân, doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Những vấn đề liên quan đến giống, quy định của pháp luật chúng tôi sẽ tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ cũng như tham mưu cho cấp cao hơn. Chúng ta cần tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng sầu riêng vì đây là ngành kinh tế quan trọng, còn nhiều tiềm năng phát triển", ông Trung nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty CPTĐ XNK trái cây Chánh Thu, thông tin: "Ở Thái Lan, mã số vùng trồng gần như là tiêu chuẩn bắt buộc mà người nông dân nào cũng phải đăng ký. Còn để thu hoạch sầu riêng thì nông dân phải khai báo lên hệ thống của cơ quan quản lý. Nếu sớm hoặc muộn hơn phải giải trình đầy đủ lý do. Khi được cấp phép thì mới được thu hoạch. Trên đường vận chuyển, lực lượng cảnh sát có thể giám sát thêm khâu thủ tục giấy tờ. Trong khi đó, ở Việt Nam nhiều nhà vườn lại không muốn làm việc với Chánh Thu vì chúng tôi "cắt sầu riêng già quá". Khi Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng Việt Nam, Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn độ bột (chất khô) từ 33% lên 35% và kế hoạch sắp tới của họ vào năm 2025 là 37%. Sầu riêng là ngành hàng có giá trị kinh tế cao, tiềm năng phát triển còn lớn, cần tách ra thành một ngành kinh tế để xây dựng các tiêu chuẩn, quy định cho phù hợp trong việc quản lý", bà Vy chia sẻ.
"Ở Thái Lan, nếu một đối tượng vi phạm các tiêu chuẩn chất lượng nhiều lần có thể bị phạt tù. Chính vì vậy họ rất sợ và ý thức bảo vệ thương hiệu sầu riêng của người Thái rất cao nên khi có người vi phạm sẽ rất dễ bị tố cáo", Bà Vy cho biết thêm.