Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác đấu tranh, đồng thời chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Cùng với đó, mỗi người dân cần cảnh giác, thận trọng khi thực hiện theo yêu cầu của các tin nhắn mình nhận được...
Mất cảnh giác, "bay" gần 2 tỷ đồng
Mới đây, chị Hà Thị G ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã bị các đối tượng tội phạm công nghệ cao rút gần 2 tỷ đồng trong tài khoản sau khi chị truy cập vào đường dẫn trong tin nhắn gửi đến điện thoại của chị. Chị G cho biết: "Tôi nhận được tin nhắn giả danh nhà mạng với nội dung: “Thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ có mức phí sử dụng mỗi tháng từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, nếu muốn hủy dịch vụ thì truy cập vào đường dẫn http://...”. Sau khi nhận được tin nhắn, do mất cảnh giác, lầm tưởng tin nhắn của nhà mạng thật, trong khi tôi không có nhu cầu sử dụng dịch vụ nên đã thực hiện theo yêu cầu, cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng... Ngay sau khi tôi cung cấp thông tin, tài khoản đã bị rút gần 2 tỷ đồng. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo".
Với thủ đoạn lừa đảo tương tự, chị Đinh Thị T ở Tiểu khu 18, thị trấn Hát Lót cũng bị các đối tượng lừa đảo rút mất 64 triệu đồng trong tài khoản. Chị T chia sẻ: "Do tưởng tin nhắn của nhà mạng thật, tôi cứ răm rắp làm theo hướng dẫn vì sợ hằng tháng phải trả tiền cho các dịch vụ mà mình không có nhu cầu sử dụng". Chị Hà Thị G và chị Đinh Thị T chỉ là hai trong hàng chục trường hợp bị lừa đảo, đến Công an huyện Mai Sơn trình báo thời gian qua. Đáng nói, tình trạng này không chỉ xảy ra ở huyện Mai Sơn mà còn diễn biến khá phức tạp trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo nhận định của cơ quan công an, thời điểm cuối năm, tội phạm lừa đảo công nghệ cao sẽ tiếp tục hoạt động mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Chị Hà Thị G trình bày sự việc bị lừa đảo với cán bộ Công an huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. |
Chú trọng công tác tuyên truyền
Việc sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội đối với người dân miền núi ngày càng phổ biến, tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên dễ mắc bẫy bọn lừa đảo. Để ngăn chặn tình trạng này, Công an huyện Mai Sơn nói riêng, Công an tỉnh Sơn La nói chung đã đẩy mạnh công tác đấu tranh, đồng thời chú trọng tuyên truyền, chỉ rõ các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm để người dân nhận biết. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng công an huyện Mai Sơn cho biết: "Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng và tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân đã và đang được chúng tôi chú trọng. 100% tin báo tố giác tội phạm đều được đơn vị tiếp nhận, điều tra hoặc phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh tập trung làm rõ".
Trước tình hình tội phạm công nghệ cao đang diễn biến phức tạp, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị công an trong toàn tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bẫy lừa đảo của các đối tượng; đồng thời yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời giải quyết tin báo tố giác tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao. "Các đối tượng lừa đảo công nghệ cao có thể mạo danh người thân, tổng đài ngân hàng hoặc các cơ quan chức năng để nhắn tin lừa đảo. Người dân cần tăng cường cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn đề nghị cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, vay tiền... Hãy trình báo cơ quan công an khi nhiều người tại cùng một khu vực, một thời điểm nhận được tin nhắn có nội dung giống nhau...", Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường khuyến cáo.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG