Chiều 20/7, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Đà Nẵng cho biết, đã làm rõ đối tượng làm giả hóa đơn chuyển tiền (bill) của ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt gần 300 triệu đồng.
Theo đó, đối tượng phạm tội là N.Q.Tr (SN 1996, trú TP. Hà Nội) và nạn nhân là chị N.X.V.L (SN 1993, trú quận Hải Châu). Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 3/2021, Tr. kết bạn qua facebook với chị L. rồi đặt mua hàng quần áo trẻ em và thanh toán đầy đủ tiền để tạo niềm tin.
Đến tháng 6/2021, Tr. bắt đầu chỉnh sửa hóa đơn chuyển tiền của ngân hàng để gửi cho chị L. Tin tưởng Tr., chị L. tiếp tục gửi hàng như những lần trước. Từ tháng 6/2021 đến khi bị phát hiện, tổng cộng Tr. đã gửi cho chị L. 114 hóa đơn chuyển tiền ngân hàng giả và chiếm đoạt số hàng hóa trị giá gần 300 triệu đồng.
Ngày 18/7, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Đà Nẵng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng.
Nhiều chiêu thức tin nhắn lừa đảo rút tiền tài khoản ngân hàngQua vụ việc này, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ tài khoản của mình trước khi giao dịch.
Với hệ thống công nghệ của các ngân hàng, việc chuyển khoản 24/7, khách hàng sẽ nhận được thông báo có tiền trong tài khoản. Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.
Theo các chuyên gia, để phòng tránh bị lừa bởi các hóa đơn chuyển tiền giả, người dân cần chú ý kỹ biên lai chuyển khoản, chỉ khi tiền đã vào tài khoản của mình mới tiếp tục các giao dịch khác. Nhận biết thông qua địa chỉ website ở phía cuối bill chuyển khoản, thông thường tên website lừa đảo sẽ là những tên lạ hoặc chứa các ký tự lạ. Người dùng cần cân nhắc, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện theo yêu cầu của bên kia. Cần chắc chắn rằng tài khoản của mình đã nhận đủ tiền trước khi thực hiện các giao dịch tiếp theo… Khi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, cần liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ, cung cấp thông tin.
Những hành vi làm giả hóa đơn, giả tin nhắn để lừa đảo có thể bị xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy theo mức độ phạm tội, đối tượng lừa đảo có thể bị phạt mức án lên đến chung thân.
Hoàng Gia Bảo