Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Nghệ An. Ảnh: Phương Hà(HQNA)
Cụ thể, đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về khai hải quan được quy định tại Điều 8 dự thảo, Ban soạn thảo đã điều chỉnh mức tiền phạt quy định tại điều này nhằm phân định trường hợp khai sai nhưng người khai hải quan tự phát hiện và thực hiện khai bổ sung với trường hợp khai sai nhưng do cơ quan Hải quan phát hiện. Theo đó, quy định trường hợp người khai hải quan tự phát hiện và khai bổ sung (ngoài thời hạn quy định) thì mức tiền phạt bằng 1/2 mức tiền phạt của trường hợp do cơ quan Hải quan phát hiện (được quy định rõ tại Khoản 6 Điều 8).
Đối với hành vi vi phạm quy định về khai thuế mà bị phát hiện khi kiểm tra, thanh tra đối với hàng hóa đã được thông quan, dự thảo nghị định xây dựng hai mức phạt.
Cụ thể, phạt 20% nếu cá nhân, tổ chức vi phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính (quy định tại Khoản 3 Điều 9 dự thảo). Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính (Điểm c Khoản 1 Điều 14 dự thảo).
Ban soạn thảo nhấn mạnh, đối với hành vi vi phạm quy định về khai thuế do cơ quan Hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan: Phạt 20% mà không gắn với điều kiện “cá nhân, tổ chức vi phạm đã tự nguyện khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định” do Điều 142 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 không quy định và nếu không nộp đủ thuế thì DN không thể thông quan hàng hóa nên không có hành vi này chuyển tiếp sang điều trốn thuế.
Nhóm hành vi vi phạm chính sách quản lý hàng hóa XNK, Ban soạn thảo xây dựng gồm 8 điều, được quy định từ Điều 15 đến Điều 22 của dự thảo nghị định cũng đã được sửa đổi, bổ sung hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số hành vi vi phạm như: chỉ quy định tịch thu đối với tang vật vi phạm là hàng hóa cấm XK, cấm NK nếu không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người, văn hóa phẩm độc hại, cấm lưu hành; nếu thuộc trường hợp này thì dự thảo nghị định quy định buộc tái xuất hoặc buộc tiêu hủy. Đối với tang vật vi phạm là hàng hóa TNTX, hàng quá cảnh, chuyển khẩu, dự thảo nghị định quy định buộc tái xuất tang vật vi phạm tại cửa khẩu nhập.
Theo đó, Ban soạn thảo điều chỉnh tăng mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm (XNK hàng cấm, hàng kinh doanh TNTX thuộc diện cấm kinh doanh TNTX: điều chỉnh từ 80 triệu đồng lên 100triệu đồng); quy định mức phạt tiền đến mức tối đa trong lĩnh vực hải quan (200 triệu đồng) đối với trường hợp tang vật vi phạm là ngà voi, sừng tê giác cấm XNK.
Theo Báo Hải quan