Nâng cao chất lượng cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hải quan

10:18 23/07/2020
Để đáp ứng yêu cầu giải quyết khối lượng công việc ngày một tăng trong bối cảnh biên chế tăng không đáng kể, một trong những giải pháp được ngành Hải quan chú trọng thực hiện là đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cán bộ công chức (CBCC), viên chức.

Kỳ đánh giá năng lực công chức Tổng cục Hải quan.  Ảnh: N. LinhKỳ đánh giá năng lực công chức Tổng cục Hải quan. Ảnh: N. Linh

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Hải quan) Bùi Ngọc Lợi cho biết: để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, việc nâng cao chất lượng CBCC, viên chức được toàn Ngành chú trọng thực hiện.

Sau khi có các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Tài chính về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCC, viên chức, các đơn vị, cơ quan, tổ chức xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tính đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế được giao năm 2015. Trong giai đoạn 2015-2020, ngành Hải quan đã cắt giảm 542 biên chế hành chính (chiếm 5,08%), 69 biên chế sự nghiệp (chiếm 24,5%).

Cùng với đó, ngành Hải quan đã có nhiều giải pháp quản lý, sử dụng biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của đội ngũ công chức, viên chức vừa đảm bảo duy trì hoạt động theo yêu cầu nhiệm vụ của Ngành, vừa thực hiện đúng và hiệu quả chính sách tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước.

Tổng cục Hải quan xây dựng và tổ chức triển khai hai Đề án vị trí việc làm gồm: Đề án vị trí việc làm cho khối hành chính và Đề án vị trí việc làm cho khối sự nghiệp, làm căn cứ cho việc sắp xếp, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Riêng danh mục vị trí việc làm khối hành chính của Tổng cục Hải quan là 183 vị trí, trong đó 23 vị trí việc làm nhóm lãnh đạo, 132 vị trí việc làm nhóm chuyên môn nghiệp vụ và 28 vị trí việc làm nhóm hỗ trợ phục vụ. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang triển khai rà soát, xây dựng danh mục và mô tả vị trí việc làm theo kế hoạch và lộ trình chung của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành Hải quan tăng cường thực hiện việc sắp xếp, bố trí biên chế giữa các đơn vị theo hướng ưu tiên bố trí biên chế cho đơn vị đang có nhu cầu cấp thiết về biên chế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Mặt khác, yêu cầu các đơn vị trong Ngành căn cứ tình hình công việc thực tế, chủ động bố trí, sắp xếp, sử dụng số biên chế đang được giao một cách tiết kiệm, hợp lý và khoa học để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao. Song song đó là tích cực cải tiến cơ chế làm việc để giải quyết công việc nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.

Trong công tác cải tiến chất lượng nguồn nhân lực, Tổng cục Hải quan cũng chú trọng bổ sung công chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính sách, chế độ, công chức thực hiện nghiệp vụ tác nghiệp trực tiếp đặc biệt là bộ phận thanh tra, kiểm tra; giảm công chức thực hiện nhiệm vụ trung gian, gián tiếp, nội ngành.

“Việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, phương án sắp xếp, bố trí CBCC được thống nhất trong tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị trước khi quyết định, đảm bảo công khai, khách quan; phát huy vai trò của cấp ủy đảng, đoàn thể cùng cấp trong tổ chức thực hiện; làm tốt công tác tư tưởng cho CBCC, tạo điều kiện để công chức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc sắp xếp, bố trí phải căn cứ vào yêu cầu công tác, vị trí việc làm, phù hợp với trình độ, năng lực; bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển đội ngũ CBCC, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị”- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bùi Ngọc Lợi nhấn mạnh.

Đối với công tác tuyển dụng, ngành Hải quan luôn quan tâm nâng cao chất lượng bằng việc tuyển dụng công chức không qua thi tuyển đối với người tốt nghiệp thủ khoa đại học ở trong nước và người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài đối với một số trường có uy tín và tiếp nhận công chức, viên chức ngành khác chuyển công tác vào ngành Hải quan đối với đối tượng có trình độ chuyên môn cơ bản, kinh nghiệm công tác phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của ngành.

Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức cũng luôn được coi trọng. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với vị trí việc làm, gắn đào tạo với việc bố trí, sử dụng công chức, viên chức tránh tình trạng đào tạo không đúng chuyên ngành, chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo xong không sử dụng gây lãng phí nguồn lực. Cùng với đó là đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và liên kết đào tạo với các tổ chức quốc tế và Hải quan các nước. Hàng năm, Tổng cục Hải quan tổ chức và cử hơn 10.000 lượt công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở trong và ngoài nước…

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, công tác cán bộ và phát triển nguồn nhân lực của ngành Hải quan đã tạo được nhiều sự chuyển biến đáng ghi nhận, nguồn lực cán bộ ngày càng được nâng cao về trình độ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa. Công tác thanh tra, kiểm tra, kỷ cương, kỷ luật được chú trọng, tăng cường góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và đặc biệt là góp phần ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước. Công tác quản lý tài chính, tài sản đã được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo việc trang thiết bị máy móc, trang thiết bị công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hải quan.

 Theo Báo Hải quan