Hoạt động XNK tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: N.Linh
Tại tờ trình gửi Chính phủ đề nghị phê duyệt Đề án “Bảo hiểm Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”, Bộ Tài chính có những đề xuất sửa đổi, cải tiến hệ thống pháp luật Việt Nam để bảo lãnh thông quan khi áp dụng có thể tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nhập khẩu và nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan cũng như các cơ quan quản lý liên quan.
Trong đó, để có cơ sở pháp lý để triển khai bảo lãnh thông quan tại Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm bảo hiểm bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về bảo hiểm bảo lãnh thông quan.
Nội dung chi tiết, Bộ Tài chính đề xuất, trong giai đoạn đầu triển khai thí điểm, sẽ lựa chọn áp dụng cơ chế bảo lãnh đối với một số loại hình trên cơ sở kế thừa các hình thức bảo lãnh đã được áp dụng và thí điểm áp dụng đối với một số loại hình mới, đồng thời mở rộng đối tượng tham gia vào hoạt động bảo lãnh, cụ thể gồm:
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp đủ thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng.
Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam theo quy định của Luật Quản lý Ngoại thương (bao gồm cả thời gian gia hạn), trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu nhưng được phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
Hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp được chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định; hàng hóa nhập khẩu chờ kết quả xác minh từ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nước xuất khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và thuộc trường hợp nộp kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan.
Theo Bộ Tài chính, việc triển khai áp dụng bảo hiểm bảo lãnh thông quan sẽ cung cấp cơ chế kiểm soát để cho phép giảm thời gian thông quan và tăng cường tính tuân thủ. Triển khai bảo lãnh thông quan sẽ củng cố hoạt động thu thuế, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan.
Tạo thuận lợi cho việc thông quan, giải phóng hàng nhập khẩu có kiểm tra chuyên ngành; đảm bảo các điều kiện về giám sát, quản lý hải quan đối với hàng hóa.
Cơ chế này mang lại nhiều lợi ích cho các bên trực tiếp tham gia: Với doanh nghiệp sẽ góp phần tiết kiệm được chi phí, tăng nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp, thông quan hàng hóa nhanh chóng; Với cơ quan Hải quan đảm bảo việc tuân thủ pháp luật hải quan; Mở rộng thị trường kinh doanh dịch vụ bảo hiểm.
Lợi ích cụ thể theo đánh giá của chuyên gia Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu, cơ chế bảo hiểm bảo lãnh thông quan sẽ giúp giảm chi phí hành chính cho doanh nghiệp, cho cơ quan quản lý nhà nước, giúp giảm chi phí bằng 0,1-0,5% trị giá lô hàng; giảm thời gian thông quan hàng hóa giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp (phần giảm chi phí bằng 0,5-0,8% trị giá lô hàng); cơ chế này giúp tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu (tăng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu). Đặc biệt, áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan không làm giảm hay mất đi các yêu cầu thực hiện quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bảo lãnh thông quan là một hình thức cam kết bảo đảm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và các khoản phải nộp khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm với cơ quan Hải quan thay cho người được bảo lãnh khi người được bảo lãnh chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về hải quan. Cơ quan Hải quan quyết định việc thông quan hoặc giải phóng hàng hóa trên cơ sở của giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh thông quan.
N.Linh
Theo Báo Hải quan online