Cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam

08:52 22/05/2020
Nằm trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV báo cáo thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam vừa được trình bày xin ý kiến Quốc hội. Theo đó, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật.

Hình minh họaHình minh họa

Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm trong điều kiện, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay. Pháp lệnh chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ đội Biên phòng. Tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, các ban, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biên giới đều thống nhất kiến nghị, báo cáo Quốc hội xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam.

Trong Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam trước Quốc hội thì việc xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; phòng, chống có hiệu quả tội phạm, giữ vững ổn định an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Góp ý vào dự án Luật, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng, biện pháp, việc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, phân định rõ với Luật Biên giới quốc gia và các luật khác có liên quan; xây dựng một chương quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung, điều kiện, biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng; đề nghị bổ sung các mục riêng quy định về từng lực lượng chuyên trách, nòng cốt như: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, một số đơn vị thuộc Công an nhân dân (lực lượng Cảnh sát phòng, chống ma túy, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh,…); bổ sung một số quy định về Bộ đội biên phòng trên cơ sở thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng, kế thừa Pháp lệnh Bộ đội biên phòng và luật hóa các quy định có liên quan đã thực hiện ổn định; bổ sung nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng; quyền được nổ súng vào tầu, thuyền trên biển, vì Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chưa quy định; quy định theo hướng viện dẫn chế độ, chính sách theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự cho đầy đủ.

T.Lan

Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia