Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc nhà nước: Xóa bỏ mọi khoảng cách địa lý

09:35 15/06/2020
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã được "phủ sóng" tới những xã xa nhất, nghèo nhất của một tỉnh vùng núi khó khăn như Yên Bái.

Trụ ở KBNN huyện Yên Bình vắng bóng khách hàng nhờ thực hiện dịch vụ công trực tuyến.Trụ ở KBNN huyện Yên Bình vắng bóng khách hàng nhờ thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Ở Kho bạc nhiều hơn ở cơ quan

Xã Xuân Long, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) đến thời điểm hiện tại dù không còn là "rốn nghèo" của tỉnh như nhiều năm trước nhưng đây vẫn là xã đặc biệt khó khăn, trong đó khó khăn nhất phải kể đến đó là về giao thông, đường sá đi lại. Đây là xã xa trung tâm huyện nhất trên toàn tỉnh Yên Bái với quãng đường di chuyển hơn 90 km. Ngoài tuyến đường bộ gập ghềnh, khúc khuỷu và có rất ít chuyến xe liên xã đi về trung tâm huyện thì còn một tuyến đường nữa mà người dân có thể lựa chọn là đi thuyền xuyên qua lòng hồ Thủy điện Thác Bà.

Chị Hoàng Thị Thúy Dung (40 tuổi) đã làm kế toán ở xã Xuân Long được 16 năm. Trong suốt quãng thời gian công tác của mình, điều ấn tượng nhất về chị cũng là điều khiến những người quen biết chị phải nể phục, không bao giờ quên chính là quãng đường di chuyển để thực hiện nhiệm vụ được giao. UBND xã vốn là một đơn vị sử dụng ngân sách có giao dịch thường xuyên nhất với KBNN cấp huyện, do vậy, hàng tháng cán bộ kế toán xã phải thường xuyên đến trụ sở KBNN huyện để thực hiện những công việc như: Rút lương, thưởng, đối chiếu, nghiệm thu thanh toán công trình...

Do sức khỏe yếu, thường xuyên say xe ô tô nên phương tiện di chuyển chủ yếu của chị khi đến giao dịch với KBNN huyện Yên Bình chính là đi thuyền xuyên qua lòng hồ Thác Bà. Chuyến tàu đi từ xã Xuân Long tới trung tâm huyện thường phải mất trung bình 4 tiếng đồng hồ. Theo lời kể của chị Dung, tàu ở đây thường là những con tàu đã cũ, chỉ có mái che chứ không có khoang ngồi kín đáo cho hành khách. Trời tạnh ráo thì không nói nhưng những ngày mưa gió hay nắng nôi, hành khách trên tàu thật sự là cơ cực vì nắng, gió, thậm chí là mưa. Đặc biệt là vào mùa mưa bão, nguy cơ tai nạn khi mực nước trong mùa mưa lên xuống thất thường, dòng chảy mạnh dễ gây chòng chành, lật thuyền.

 Kế toán xã Xuân Long phải đi xuyên lòng hồ Thác Bà quãng đường 92km để tới trụ sở KBNN huyện Yên Bình.Kế toán xã Xuân Long phải đi xuyên lòng hồ Thác Bà quãng đường 92km để tới trụ sở KBNN huyện Yên Bình.

"Chính vì đường xa khó khăn nên mỗi khi phải làm việc với Kho bạc tôi thường mất một ngày làm việc. Thậm chí có hôm chuẩn bị hồ sơ giấy tờ ở cơ quan xong ra tới Kho bạc đã 4 giờ chiều, đêm tối đi lại khó khăn lại mang theo rất nhiều tiền của đơn vị nên tôi đành ngủ ở lại trung tâm huyện để sáng sớm hôm sau mới ra lấy tiền về. Do đặc thù công việc, thời gian tôi di chuyển và làm việc với KBNN có lẽ còn nhiều hơn thời gian ngồi tại cơ quan. Nhất là thời điểm cuối năm có nhiều khoản chi, việc cả tháng trời không có mặt tại cơ quan để đi ra và làm việc với Kho bạc là điều hết sức bình thường", chị Thúy Dung chia sẻ.

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giãn cách xã hội, để anh em trong đơn vị có lương, có tiền chi tiêu, dù lo sợ dịch bệnh chị vẫn phải tìm cách để đến trụ sở KBNN. Lúc đó tàu chạy xuyên hồ Thác Bà không được phép hoạt động, một mình chị Dung đã phải thuê xe ôm, thuê taxi, thậm chí đi nhờ xe của người dân để đảm bảo đúng tiến độ và chế độ chi trả các khoản thu nhập cho UBND xã.

"Xã chỉ có một kế toán duy nhất, khi nào tôi đi làm việc với KBNN thì đồng nghĩa với việc công việc tại cơ quan ùn ứ không ai làm thay, việc dồn cho ngày hôm sau không ít. Nhiều lúc đi lại nhiều, ốm đau mệt mỏi cũng rất chán nản, đã có lúc tôi còn nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Nhưng rồi được cơ quan, gia đình động viên, tôi đã vượt qua tất cả. Đến giờ, khi những anh chị em ở bến tàu, lái tàu đã quá quen mặt, thân thuộc như người nhà, đồng nghiệp; những chuyến đi cũng bớt dài, bớt gian khó bởi câu chuyện vui buồn chia sẻ với nhau, cái ý nghĩ muốn nghỉ việc cũng không còn nữa", chị Dung tâm sự.

Xóa bỏ mọi khoảng cách

Ngay khi DVCTT của KBNN bắt đầu được triển khai tới các xã, thị trấn trực thuộc tuyến huyện, chị Hoàng Thị Thúy Dung đã nhận được sự tư vấn, hướng dẫn và động viên rất nhiều của cán bộ KBNN huyện Yên Bình. Chị được nghe về những tiện ích, hiệu quả và nhất là ý nghĩa của việc điện tử hóa thủ tục hành chính đối với những đơn vị sử dụng ngân sách nằm trên địa bàn xa xôi, khó khăn như xã Xuân Long của chị.

"Khi bắt đầu nghe về DVCTT tôi cũng ngại ngần lắm vì ngại thay đổi và lo lắng về trình độ tin học của mình. Nhưng tìm hiểu từ những xã khác trên địa bàn huyện, các đồng nghiệp đã thực hiện trước đều hết sức khen ngợi ứng dụng này và động viên tôi tích cực tham gia. Ngày 10/6 vừa qua, hồ sơ chứng từ đầu tiên của xã được được gửi đi bằng DVCTT rất thuận lợi và nhanh chóng. Báo tin vui rằng lương đã "về" nhờ DVCTT, tôi nhận được sự động viên và chia sẻ từ phía lãnh đạo xã Xuân Long rất nhiều", chị Dung vui mừng nói.

Còn nhớ khi DVCTT được triển khai, nhiều lãnh đạo KBNN các địa phương đã khẳng định, càng khó khăn, càng xa xôi thì dịch vụ này mới phát huy được hết hiệu quả của nó. Quả thực, câu chuyện về một nữ kế toán tại UBND xã Xuân Long, huyện Yên Bình là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Có thể khẳng định, khi KBNN triển khai DVCTT, dường như những khó khăn gian khổ về địa hình đã được hoàn toàn xóa bỏ. Thay vào đó là một "bộ mặt" hoàn toàn mới về thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực Kho bạc.

Theo ông Phạm Tiến Bình, Giám đốc Kho bạc huyện Yên Bình, hiện trên địa bàn huyện Yên Bình đã có 100% các đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT. Điều đáng nói, với hầu hết các đơn vị trên địa bàn khi đã chính thức tham gia thì 100% hồ sơ chứng từ đều được thực hiện qua ứng dụng này một cách thành công, trôi chảy, không phát sinh vướng mắc. Tính đến hết tháng 5 đã có 800 món (100%) chứng từ được thực hiện qua DVCTT.

"Hiệu quả của DVCTT mang lại đến thời điểm này quá rõ nét và được chứng minh bởi sự hài lòng của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đây là sự thay đổi lớn nhất là đối với cấp huyện, xã của những tỉnh khó khăn như Yên Bái, mang lại hiệu quả, lợi ích cho cả cán bộ kho bạc và những những người trực tiếp tham gia DVCTT", ông Phạm Tiến Bình khẳng định.

Theo Báo Hải quan