Thông tư 13/TT-BTC mới ban hành: Tạo thuận lợi cho hàng hóa có yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ

09:10 25/05/2020
Nhiều quy định mới về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT); kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT được quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

 

Bà Hoàng Thị Thủy -Trưởng phòng Giám quản 4 (Cục Giám sát quản lý về hải quan)Bà Hoàng Thị Thủy -Trưởng phòng Giám quản 4 (Cục Giám sát quản lý về hải quan)

Báo Hải quan phỏng vấn bà Hoàng Thị Thủy (ảnh)-Trưởng phòng Giám quản 4 (Cục Giám sát quản lý về hải quan) về những điểm cần lưu lý khi thực thi Thông tư này.

Xin bà cho biết những vấn đề nổi bật được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 13/2020/TT-BTC?

Thông tư số 13/2020/TT-BTC được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập đối với công tác bảo vệ quyền SHTT tại biên giới trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua, đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định mới nhằm tạo thuận lợi chủ thể quyền hoặc người được ủy quyền hợp pháp và các đơn vị thực thi kiểm tra, giám sát và kiểm soát như: Đơn giản hóa hồ sơ, chứng từ; minh bạch thủ tục hành chính, phù hợp với quy định tại Luật Hải quan, Luật SHTT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phù hợp với cam kết quốc tế đặc biệt là phù hợp với Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Chẳng hạn như trước đây, Hải quan địa phương phản ánh khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi bảo vệ quyền SHTT như vấn đề kiểm tra, giám sát, kiểm soát như thế nào trong quá trình làm thủ tục hải quan? Vấn đề tạm dừng làm thủ tục hải quan thực hiện như thế nào cho hiệu quả? Thời hạn gia hạn tạm dừng thực hiện như thế nào? cơ quan Hải quan được phép gia hạn bao nhiêu lần? Bên cạnh đó cần có quy định cụ thể đối với trường hợp nhãn hiệu hàng hóa đề nghị kiểm tra, giám sát hải quan nhưng đang trong quá trình tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền SHTT hoặc người được ủy quyền hợp pháp, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền SHTT.

Những vấn đề trên được sửa đổi, bổ sung, làm rõ tại Thông tư 13/2020/TT-BTC. Đáng chú ý có nhiều quy định mới liên quan đến việc thực thi kiểm tra, giám sát và kiểm soát của cơ quan Hải quan; liên quan đến thủ tục đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa đã được áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát; xử lý đối với hàng giả hoặc hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả; xử lý đối với hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT; sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến công tác kiểm soát hải quan cho phù hợp với các quy định hiện hành và chức năng, nhiệm vụ được giao của lực lượng này.

Các công việc cơ quan Hải quan thực hiện trong thời gian tạm dừng làm thủ tục hải quan được quy định như thế nào và cần lưu ý gì trong việc thực thi, thưa bà?

Các công việc cơ quan Hải quan thực hiện trong thời gian tạm dừng làm thủ tục hải quan được quy định tại khoản 8 Điều 1 Thông tư số 13/2020/TT-BTC. Tại khoản này bổ sung trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc xử lý hàng hóa bị xâm phạm quyền SHTT hoặc không xâm phạm quyền SHTT. Trường hợp đủ cơ sở xác định hàng hóa bị tạm dừng xâm phạm quyền SHTT, cơ quan Hải quan ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định, cơ quan hải quan phải có văn bản thông báo theo quy định tại khoản 12 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật SHTT cho chủ thể quyền SHTT hoặc người được ủy quyền hợp pháp các thông tin sau: Tên và địa chỉ của người gửi hàng; nhà xuất khẩu, người nhận hàng hoặc nhà nhập khẩu; bản mô tả hàng hóa; số lượng hàng hóa; nước xuất xứ của hàng hóa nếu biết.

Nội dung quy định việc thông báo các thông tin cho chủ thể quyền SHTT hoặc người được ủy quyền hợp pháp biết là thực hiện theo quy định tại khoản 12 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật SHTT, nội luật hóa các nội dung quy định liên quan đến quyền SHTT tại Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này, các đơn vị cần lưu ý, chỉ thực hiện thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan trong trường hợp có cơ sở rõ ràng nghi vấn hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, hàng giả và tiến hành thủ tục tạm dừng theo đúng quy định; không thực hiện thủ tục tạm dừng khi không đủ cơ sở nghi vấn hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, hàng giả hoặc thực hiện thủ tục tạm dừng tùy tiện đối với tất cả các quyền SHTT đã được chấp nhận kiểm tra, giám sát hải quan. Không yêu cầu chủ thể quyền SHTT hoặc người được ủy quyền hợp pháp nộp/xuất trình bất kể chứng từ nào ngoài hồ sơ hải quan theo quy định, hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hải quan đã được Tổng cục Hải quan chấp nhận và thông báo đến các đầu mối tiếp nhận thông tin bảo vệ quyền SHTT tại đơn vị.

Trường hợp qua kiểm tra xác định hàng hóa bị tạm dừng xâm phạm quyền SHTT thì thực hiện các trình tự, thủ tục để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Các trường hợp tạm dừng làm thủ tục hải quan trái quy định pháp luật thì người ra quyết định tạm dừng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cơ quan Hải quan là lực lượng chủ công trong bảo hộ SHTT ở biên giới. Trong ảnh: Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: Quang HùngCơ quan Hải quan là lực lượng chủ công trong bảo hộ SHTT ở biên giới. Trong ảnh: Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: Quang Hùng

Vậy việc xử lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu xâm phạm quyền SHTT và hàng giả được quy định như thế nào, thưa bà?

Việc xử lý đối với hàng giả hoặc hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả hoặc hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu quyền SHTT được quy định tại khoản 10, khoản 11 Điều 1 Thông tư số 13/2020/TT-BTC, theo đó, các nội dung mới gồm: Quy định cụ thể thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; quy định thủ tục, trình tự xử lý của cơ quan Hải quan để xác định hàng giả trong đó có nội dung yêu cầu chủ hàng, chủ sở hữu hàng thật cung cấp chứng từ chứng minh và công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình xác định hàng giả.

Về xử lý đối với hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, tại Thông tư 13/2020/TT-BTC có nhiều quy định mới, cụ thể: Khi xác định hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, Chi cục Hải quan phải thực hiện gửi thông báo các thông tin liên quan đến hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm cho chủ thể quyền SHTT hoặc người được ủy quyền hợp pháp biết theo mẫu số 06-TBTD/SHTT/2020, đồng thời gửi kèm hình ảnh của hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT. Thông tin được gửi bằng phương thức: Thư bảo đảm và có dịch vụ báo phát SMS/email để có cơ sở xác định thời điểm chủ thể quyền nhận được thông báo.

Thời hạn tiếp nhận đề nghị tạm dừng hoặc tiếp tục làm thủ tục hải quan là 03 ngày làm việc kể từ ngày chủ thể quyền nhận được thông báo của cơ quan Hải quan.Trong trường hợp chủ thể quyền không có yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng, công chức hải quan tiếp tục làm thủ tục thông quan cho lô hàng theo đúng quy định…

Đề thực thi các nội dung mới tại Thông tư 13/2020/TT-BTC hiệu quả, Tổng cục Hải quan đã có văn bản yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố phổ biến, quán triệt toàn bộ nội dung Thông tư đến CBCC; đồng thời lưu ý các đơn vị các nội dung mới được sửa đổi, bổ sung để các các đơn vị chủ động, thuận lợi khi thực hiện.

Nội dung Thông tư đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới về giải thích từ ngữ, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan và cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó, những vấn đề về thủ tục đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan cũng được sửa đổi, bổ sung để làm rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan cũng như chủ thể quyền hoặc người được ủy quyền hợp pháp khi thực hiện bảo vệ quyền SHTT. Đáng chú ý, về hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan được sửa đổi, bổ sung nhằm giảm bớt đầu mục chứng từ phải nộp trong trường hợp đã được cơ quan Hải quan thông báo chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát. Theo đó, các thông tin liên quan đến quyền SHTT chủ thể quyền đã cung cấp trong bộ hồ sơ khi đề nghị kiểm tra, giám sát và đã được Tổng cục Hải quan gửi thông qua thư điện tử hoặc hệ thống. Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn CBCC hải quan khai thác trên hệ thống hoặc thư điện tử để triển khai thực hiện, không yêu cầu chủ thể quyền phải nộp lại bộ hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan. Và thời hạn tạm dừng tối đa là 20 ngày làm việc (bao gồm cả trường hợp có gia hạn thời hạn tạm dừng).

Xin cảm ơn bà!

 Ngọc Linh

Theo Báo Hải quan online